Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị tại Kim Phật Thánh Tự, Vancouver, Canada, ngày 5 tháng 6 năm 1988
Tất cả mọi thứ trên thế gian, bất kể thứ gì, đều phải trải qua bốn giai đoạn: hình thành (thành), phát triển (trụ), suy tàn (hoại), và diệt mất (không). Đây cũng được gọi là bốn đại kiếp. Giai đoạn “Hình thành (thành)” dài hai mươi tiểu kiếp. Giai đoạn “Phát triển (trụ)” dài hai mươi tiểu kiếp. Giai đoạn “Suy tàn (hoại)” dài hai mươi tiểu kiếp. Và giai đoạn “Diệt mất (không)” dài hai mươi tiểu kiếp. Một tiểu kiếp là một khoảng thời gian rất dài, dài đến nỗi ngay cả máy tính điện toán cũng chẳng thể tính đếm nổi. Hai mươi tiểu kiếp gộp thành một trung kiếp. Do vậy, hai mươi tiểu kiếp cho mỗi giai đoạn thành, trụ, hoại, không cộng thành bốn trung kiếp, và bốn trung kiếp gộp thành một đại kiếp. Trong quãng thời gian này, tất cả chúng ta đều đã trải qua vô vàn những cảnh giới phức tạp và những kinh nghiệm không thể nghĩ bàn.
Trong Phật giáo, có thời kỳ Chánh Pháp, thời kỳ Tượng Pháp, và thời kỳ Mạt Pháp. Trong thời kỳ Chánh Pháp, mọi người đều hăng hái và tinh tấn tu tập Thiền Định (Thiền Định Kiên Cố). Trong thời kỳ Tượng Pháp, mọi người đều hăng hái và tinh tấn trong việc xây dựng chùa tháp và kiến lập đạo tràng (Tự Miếu Kiên Cố). Trong thời kỳ Mạt Pháp, mọi người đều nhiệt tình và kiên trì trong việc đấu tranh lẫn nhau (Đấu Tranh Kiên Cố). Ngày nay, thường thấy có nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới, cũng bởi lẽ chúng ta đang sống trong thời kỳ Mạt Pháp. Chúng ta thấy sự bần cùng khốn khổ của những cuộc chiến tranh ở khắp mọi nơi, như trong câu “Tranh giành lãnh thổ, thây người đầy đồng, Tranh giành thành lũy, thây người ngập thành.” (1). Đây cũng gọi là “vì chiếm đoạt đất đai, lãnh thổ mà ăn nuốt thịt người, xử tử cũng chẳng đủ để trừng phạt tội ác này.” (2).
Ngày nay, rất ít người tu tập thiền định. Mặc dù vẫn có người xây dựng chùa miếu, nhưng họ lại thường tranh cãi lẫn nhau, giành lấy phần thắng. Ông nói chùa của ông đẹp đẽ, lộng lẫy, ông đã dành ra nhiều tiền xây dựng lên. Anh kia lại muốn tranh đua để cho chùa của anh thêm trang nghiêm, mỹ lệ, ánh vàng xanh, sáng lấp lánh huy hoàng từ mọi phía. Mọi người chỉ toàn dụng công trên bề mặt, nơi nơi chốn chốn đều thấy người người đấu tranh lẫn nhau. Các vị thử nhìn xem hiện tại các nhà khoa học chỉ muốn dùng đến trí thông minh thế gian của họ, vốn chẳng phải trí tuệ chân chính của họ, họ dành hết thời gian và tâm sức, vắt óc suy nghĩ tìm cách phát minh ra những loại vũ khí giết người để hủy diệt nhân loại. Đây là hiện tượng gì vậy? Hiện tượng này biểu thị cho sự suy tàn của thế giới đang đến gần kề, thế giới sắp tàn lụi và diệt vong.
Ngay trong thời kỳ Chánh Pháp, cũng có những pháp của Tượng Pháp và Mạt Pháp. Trong thời kỳ Chánh Pháp, cũng có những người thích xây dựng tháp miếu, kiến lập tinh xá, đạo tràng. Những hành giả Phật giáo tu tập thiền định thì nhiều, nhưng cũng có một số ít người xây dựng chùa miếu, và những người thích đấu tranh thì càng ít hơn. Do đó trong thời kỳ này lấy Chánh Pháp làm chủ yếu.
Vậy thời kỳ Tượng Pháp thì sao? Đây là thời kỳ mà nhiều người thích xây dựng chùa miếu hơn là số người tu tập thiền định. Tuy nhiên, số người thích đấu tranh tăng lên trong thời kỳ Tượng Pháp, có nhiều người thích đấu tranh hơn trong thời kỳ Chánh Pháp. Bởi lẽ đó, thời kỳ này gọi là thời kỳ Tượng Pháp.
Trong thời kỳ Tượng Pháp cũng có Chánh pháp và Mạt pháp. Ngày nay, chúng ta đang ở vào thời kỳ Mạt Pháp, nhưng trong đó cũng có chánh Pháp. Nếu các vị không tranh, không tham, không mong cầu, không tự tư, không tự lợi, mà luôn tuân giữ các giới luật căn bản do Đức Phật chỉ dạy, và siêng năng tu tập Thiền Định, thì đây chính lại là thời kỳ Chánh Pháp. Tuy nhiên, nếu một mặt các vị thích xây dựng chùa miếu, mặt khác lại thích đấu tranh, các vị sẽ làm cho càng ngày càng nhiều Phật tử trở nên thích đấu tranh hơn, và làm cho ngày càng ít đi những người thích xây dựng tháp miếu và tu tập Thiền Định. Khi đó, đấu tranh trở thành hoạt động chủ yếu, nên thời kỳ này gọi là thời kỳ Mạt Pháp. Khi bàn luận về chủ đề này trên phương diện thời đại thì mỗi giai đoạn hay thời đại đều bao gồm các yếu tố Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp.
Thật quá không may và bất hạnh khi chúng ta lại sinh ra trong thời kỳ Mạt Pháp này, thời gian cách Phật cũng quá xa. Với Chánh Pháp chân chính, chúng ta cũng không biết làm sao tu hành. Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn tại Pháp Hội Niết Bàn, tôn giả A Nan đau buồn đến nỗi quên hết mọi thứ. Khi đó, tôn giả A Na Luật nhắc ngài nên hỏi Đức Phật bốn việc. Trong pháp hội Niết Bàn, tất cả chúng sanh đều muốn dâng cúng dường đức Phật lần cuối, nhưng đức Phật chỉ im lặng không nhận đồ cúng dường. Ma vương Ba Tuần cũng muốn cúng dường lên Đức Phật và khấn đọc thần chú. Thần chú này được khấn rất chung chung, thay vì chỉ dạy cho mọi người nên sám hối, cải đổi những lỗi lầm họ đã gây tạo, thần chú này lại chỉ nói đến việc con người không nên sanh tâm lo lắng, sợ hãi. Thật ra, thần chú này chỉ khiến cho mọi người không còn sợ luật nhân quả, thậm chí còn phủ nhận luật nhân quả – À, ngay cả Luật Nhân Quả cũng không cần phải sợ nữa!