Đức Phật đã kết thúc kinh Kim Cang bằng bốn câu kệ rất sâu sắc như sau:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”
Dịch nghĩa:
Tất cả các pháp hữu vi
Như bóng, bọt nước có gì khác đâu
Như sương, như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng
Trên đây là bài kệ nổi tiếng trong kinh Kim cương, thường được gọi là bài kệ Lục Như. Bài kệ này nổi tiếng không phải chỉ vì diệu nghĩa, mà nổi tiếng cả vì văn từ. Bài kệ Lục như có thể được xem là bản tóm tắt tư tưởng của Phật giáo Đại thừa khi quán chiếu thế gian như huyễn mộng. Xem cõi đời như giấc mộng, như cơn gió thoảng qua, như giọt sương rơi chóng tan trên chiếc lá.

Những gì có hình tướng, có động tác bị vô thường sanh diệt đều gọi là pháp hữu vi. Có nhiều người nói: Ở chùa thờ tượng Phật, đánh chuông, đánh trống, đó là tướng hữu vi, chúng tôi không như vậy, chúng tôi chỉ thờ một tấm vải, hay chúng tôi chỉ thắp một cây hương trên bàn không, hay chúng tôi dùng tấm vải vẽ chữ Phật thôi, đó là vô vi. Tuy nhiên còn có cây hương, có tấm vải, có cái bàn cũng là hữu vi mất rồi. Thế mà người ta cứ lầm, không hiểu được ý nghĩa chánh của đạo Phật. Hữu vi nghĩa là tất cả những gì có tướng mạo, có tướng mạo đều bị vô thường, sanh diệt. Như tượng Phật bằng gỗ, bằng xi măng có tướng mạo thì vô thường, tấm vải có tướng mạo thì cũng vô thường, cây nhang có tướng mạo thì cũng vô thường. Cả đến những niệm tưởng cũng là tác động sanh diệt thì cũng là hữu vi. Tất cả pháp hữu vi đều như giấc mộng, đều huyễn hóa, đều như bong bóng khi hạt mưa rơi, đều như bóng của người, của cây, của vật không thật, cũng như sương mù, điện chớp, chúng ta phải khởi quán như thế mới không thủ tướng, mới như như bất động. Nếu thấy có cái thật, tức là thủ tướng mà thủ tướng thì tâm động. Tôi nói một ví dụ gần nhất như chúng ta mặc chiếc áo thật sạch, bất thần có người tay dính đầy lọ chụp vào vai chúng ta thì thế nào? Mình động không? Vì mình chấp cái tướng sạch nên thấy chiếc áo dơ là nổi sân liền. Thế nên thủ tướng thì động, trái lại nếu không chấp tướng thì như như bất động, rõ ràng như vậy, đó là tôi nói những việc hết sức nhỏ. Đến những việc lớn hơn như thân mạng thì động liên miên… Giả sử có người nào nghe nói ngày mai bị tử hình thì đêm nay người đó ngồi thiền yên lặng được không? Quí vị tưởng tượng xem đêm đó ngồi thiền yên lặng hay là trằn trọc suốt đêm hay khóc thôi là khóc? Như thế để thấy còn chấp tướng là không bao giờ an ổn được.
Đến đây tôi kể cho quí vị câu chuyện như sau: Vua nước Kế-tân nghe lời sàm thần nói Tổ Sư Tử truyền bá tà pháp làm nhiễu loạn lòng dân. Vua tay cầm kiếm đi đến chỗ Tổ, hỏi: “Nghe nói Ngài thấy năm uẩn đều không phải chăng?” Tổ bảo: “Phải.” Vua nói: “Nếu thấy năm uẩn đều không, Ngài cho tôi cái đầu được không?” Tổ bảo: “Năm uẩn đã không, sá gì cái đầu.” Vua liền chặt đầu Tổ.
Qua câu chuyện này, vua Trần Thái Tông có lời niêm:
Tương đầu lâm bạch nhẫn
Du như trảm xuân phong.
Dịch:
Đem đầu kề gươm bén
Dường như chém gió xuân.
Chúng ta thấy người xưa đạt đạo đến như thế, đó là người tự tại khi sanh tử. Còn chúng ta vì thấy tất cả đều thật nên nghe động đến tứ đại này thì tâm rối loạn, không bao giờ an ổn được. Vì thế nếu không dùng trí hằng quán, hằng thấy như lời Phật dạy thì không thể nào không chấp tướng, không thể nào như như bất động được. Quí vị thấy Phật dạy có hệ thống rõ ràng, muốn được như như thì trước phải đừng chấp tướng, còn chấp tướng thì đừng nói như như. Bài kệ trên dạy ta phải dùng trí hằng thấy, hằng quán tất cả pháp hữu vi, từ thân đến cảnh, những gì có hình tướng, có tác động, đều là vô thường sanh diệt nên như huyễn, như hóa, như bào, như ảnh…
Tôi tóm tắt lại xem bộ kinh Kim Cang dạy chúng ta những gì? Toàn bộ kinh Kim Cang chia làm ba mươi hai phần, trong ba mươi hai phần này, chủ yếu có hai điểm chánh, điểm thứ nhất là ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục tâm, điểm thứ hai là hỏi làm sao an trụ tâm. Khi ngài Tu-bồ-đề hỏi hàng phục tâm, an trụ tâm là hỏi cho ai? - Cho người cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật dạy hàng phục tâm trước rồi an trụ tâm sau. Đức Phật dạy: Muốn hàng phục tâm thì phải phát tâm độ tất cả chúng sanh, thai sanh, thấp sanh v.v… vào Vô dư y Niết-bàn mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Nói tóm lại muốn hàng phục được tâm thì phải độ tất cả những niệm tưởng về có sắc, niệm tưởng về không sắc, về có tưởng, về không tưởng v.v… vào chỗ vô sanh, đưa chúng vào chỗ vô sanh không còn tăm dạng.
Muốn an trụ tâm phải làm sao? Đức Phật dạy: Muốn tâm an trụ thì đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là đối với sáu trần Bồ-tát bố thí không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, tức là không để cho tâm kẹt vào sáu trần. Tâm không dính với sáu trần thì đó là trụ tâm. Như thế sáu trần là cái cớ để tâm mình động, nghĩa là mắt thấy sắc, tâm chạy theo sắc, là tâm động. Trái lại mắt thấy sắc mà tâm không chạy theo sắc, là tâm trụ, tai nghe tiếng mà tâm không chạy theo tiếng, là tâm trụ, trụ mà không trụ, trụ chỗ không trụ. Còn thấy sắc mà chạy theo sắc là không phải trụ, trụ nơi sắc tức là kẹt nơi sắc thì tâm mình động chớ không phải trụ, không trụ nơi sắc thì tâm mới thật an trụ.
Như thế muốn trụ tâm, thì đừng dính với sáu trần, muốn hàng phục tâm thì buông xả mọi vọng tưởng.
Vọng tưởng hết, đó là hàng phục được tâm, không theo sáu trần, đó là an trụ tâm. Tuy nói hai mà dường như không phải hai, vì an trụ tức là hàng phục, hàng phục tức là an trụ, nhưng tại sao lại nói thành hai? Hàng phục với an trụ, quí vị thấy cái nào sâu hơn? Nếu chữ hàng phục có công năng là phải dùng sức để đàn áp thì chữ trụ là chỉ buông xả rồi thôi. Thế nên hàng phục là giai đoạn đầu, giai đoạn sơ cơ, khi tâm còn chạy theo cảnh, theo người tức là theo sáu trần một cách mạnh mẽ. Nếu mình không có phương tiện, không khéo dùng sức mạnh để trị nó thì dừng không được. Vì thế mỗi một niệm tưởng nào dấy lên thì trong giai đoạn đầu mình phải nhìn, phải phá nó bằng mọi phương tiện, hoặc biết nó là vọng rầy la nó, hoặc thấy nó giả dối buông bỏ nó, đó gọi là hàng phục. Vì lúc đó tâm còn hung hăng, cho nên phải tận dụng khả năng đập đánh nó, nó mới dừng. Còn nói đến an trụ là đối với sáu trần không dính mắc, thấy sắc mà không theo sắc, đó là lúc tâm hơi thuần rồi, nghe tiếng mà không theo tiếng, đó là thuần rồi. Thế nên giai đoạn an trụ là giai đoạn thứ hai khi nó thuần thục. Vì thế Phật trả lời từ hàng phục đến an trụ, vì giai đoạn hàng phục là giai đoạn dụng công nhiều, còn giai đoạn an trụ là thấy nghe đều buông nên nhẹ nhàng hơn. Tỉ dụ như chúng ta vừa thấy cảnh, tâm liền duyên theo cảnh tức thì mình phải nói đây là vọng, là giả dối, theo cái vọng này là sai, dụng công la rầy, quở phạt nó, đó là hàng phục, còn an trụ thì chỉ là buông xả. Thế là hai giai đoạn khác nhau rõ ràng, từ hàng phục chúng ta đi đến chỗ an trụ, một bên dụng công mạnh, một bên dụng công nhẹ, nhẹ là vì nó hơi thuần rồi. Cả hai phần này đều nhắm vào nội tâm.
Tuy nhiên nếu chỉ có hai phần trên thì quyển kinh Kim Cang chưa ứng dụng được, cần phải có phần thứ ba, tức là phải dùng Trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả pháp là tướng duyên hợp không có Tự tánh, chỉ có giả danh. Bởi chỉ có giả danh nên không một pháp nào thật, do đó không chấp vào pháp và không chấp pháp thì mới có thể hàng phục, an trụ được tâm. Thế nên điều thứ ba là phải dùng trí tuệ thấy tất cả pháp không thật, chỉ có giả danh. Thế giới không phải thế giới, ấy gọi là thế giới, chúng sanh không phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh… Phật lặp đi lặp lại ý nghĩa đó để chúng ta hằng dùng Trí tuệ Bát-nhã quán chiếu tất cả pháp là hư giả, rồi sau đó mới hàng phục được tâm, mới an trụ được tâm.
Minh họa cho ý tưởng này có lẽ không gì bằng phẩm mở đầu của kinh Lăng già. Phẩm này không có trong bản dịch của Cầu Na Bạt Ða La vốn là bản cổ nhất còn giữ được. Tôi xin trích dịch theo bản tiếng Anh trong “Studies in the Lankavatra Sutra” của đại sư Suzuki.
Sau khi Đức Phật hiện ra vô số cảnh giới thù thắng để thuyết pháp cho vua quỷ Râvana về thánh trí tự chứng, đột nhiên Ngài biến mất cùng với tất cả Phật tử, để một mình vua quỷ Râvana đứng trơ trọi giữa lâu đài và hoang mang suy tưởng về những cảnh tượng vừa diễn ra.
Ràvana suy tưởng: "Thế này là sao? Ðiều này có nghĩa gì? Ai đã thuyết pháp? Cảnh vừa hiện ra là gì? Và ai là người trông thấy? Thành phố ở đâu? Phật ở đâu?
Cung điện đâu? Chư Phật, các đấng Thiện thệ sáng ngời như châu ngọc đâu? Mộng chăng? Ảo ảnh chăng? Hay là lầu các do các Gandharva dùng pháp thuật hóa ra chăng?
Những gì ta thấy đây có phải là do bụi vướng vào trong mắt chăng? Hay đó chỉ là đứa con của người đàn bà vô sinh chăng? Hay là khói của vòng xe, do đốm lửa tạo ra chăng?
Rồi Ràvana lại suy tưởng: "Ðây là pháp tính (Dharmatâ) của vạn pháp do tâm biến hiện; kẻ ngu không thể hiểu được điều này vì họ bị điên đảo trong vọng tưởng phân biệt.
Không có người thấy cũng không có vật bị thấy; không có người thuyết pháp cũng không có pháp được thuyết; tướng và dụng của các Phật sự cũng chỉ là vọng tưởng phân biệt.
Kẻ nào thấy mọi vật như đã thấy trước kia sẽ không thấy được Phật, không còn khởi vọng tưởng phân biệt thì mới thực sự thấy được Phật, Phật là đấng Toàn giác; kẻ nào thấy được Phật là thấy trong cảnh giới vô tướng...
Vua thành Lăng Già hoát nhiên đại ngộ. Do có sự chuyển ý (paràvritti) trong tâm và hiểu rằng thế gian không gì khác hơn là tự tâm của mình, nên ông ta an trụ trong cảnh giới vô phân biệt.
Hứng khởi từ kho công đức tích nhóm trong quá khứ, đạt được trí huệ thấu hiểu kinh điển, đạt được khả năng nhìn thấy vạn pháp y như thực, vô ngại tự tại, dùng trí tuệ quán tưởng muôn vật, đạt được tri kiến vượt ngoài hý luận phân biện, vô ngại tự tại; trở thành bậc đại hành giả; có thể hóa thân thành mọi hình tướng; thông đạt mọi phương tiện thiện xảo, đạt được trí huệ về đặc tướng của từng địa, nhờ đó mà khéo vượt qua các địa; vui mừng quán sát tự tánh của Tâm (Citta), Ý (Manas), Ý thức (Manovijnàna), thoát ly được sự luân hồi trong ba cõi, đạt được trí tuệ bác bỏ tà kiến của ngoại đạo, thấy hiểu được Như Lai tạng (Tathàgata-garba), các Phật địa, Tự ngã, an trụ trong Phật trí”.