
Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai
Một
khi tâm niệm tức sân hận, tức giận khởi lên mà ta không thể tự kiềm
chế, không tự khắc phục thì trăm ngàn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng
ngại sẽ tiếp nối ngay theo sau đó.
Tam giới tận tâm, tức thị niết bàn
Trong
Trung A Hàm và Trường A Hàm thì Đức Phật đề cập đến tâm dục thiện, tức
tâm mong muốn làm điều thiện để làm động lực tu hành ban đầu. Nhưng để
đạt đến mục đích cuối cùng là Niết bàn, thì tâm phải ở trạng thái định
tĩnh, tức không còn cầu mong gì cả, vì dù cho là cầu mong gì thì cũng
là vọng tâm. Cho nên tiến tới kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật có dạy:
“Tam giới tâm tận, tức thị Niết bàn”.
Tức
chỉ khi nào tâm sạch ba cõi, không còn tham – sân – si thì mới thấy
được Niết Bàn. Khi lòng tham nổi lên, con người sẽ mãi chìm đắm trong
dục giới, sẵn sàng làm những chuyện xấu xa đồi bại để đạt được mục đích
hay những thứ chưa chắc đã thực sự có ý nghĩa.
Khi
lòng sân hận nổi lên thì con người sẽ chìm đắm trong sắc giới, sinh sự
bất mãn, dễ đố kị mà làm việc ác. Khi lòng si nổi lên thì con người sẽ
chìm trong sự u mê ngu dốt, không thấy đúng sai, không màng trái phải
và không có tâm dẫn đường, dễ mê lầm.
Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển: Tâm niệm quyết định số mệnh
Một
người có tâm tính không tốt thì việc mong muốn có một vận số tốt là
điều rất khó. Nếu dựa vào những thứ bên ngoài như xem bói, làm lễ, v.v..
thì dẫu có cầu được thì cũng chỉ là kéo dài thời gian, thay nạn này
bằng nạn khác, bởi vì thiện ác đều có báo ứng, chỉ là thời điểm chưa tới
mà thôi.
Việc
tu hành bắt đầu ở chỗ cải sửa tâm tính. Bởi vì chỉ có thay đổi “bên
trong”, làm cho bản thân tốt lên, thì số mệnh mới có thể chuyển biến.
Người xưa có câu: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển” cũng từ ý
nghĩa này mà ra.
Làm việc thiện tạo phúc
Những
người lớn tuổi thường hay dặn dò con cháu như thế này: “Tích đức, làm
việc tốt”. Khi có người làm việc thương thiên hại lý, cổ nhân thường có
câu rằng: “Thất đức, tổn đức”. Trong Phật gia giảng rằng làm nhiều việc
thiện thì phúc báo lớn, phúc báo lớn thì mọi việc sẽ thuận lợi, gặp
nhiều may mắn và việc hung ác sẽ tự tiêu đi. Làm việc ác nhiều thì phúc
báo ít, phúc báo mà không đủ thì mọi việc cũng sẽ không thuận, gặp nhiều
tai ương.
Có
câu: “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, đạo đức của người ta mà
hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của
đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương
thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.
Người
có tâm niệm thiện lương thật sự sẽ không theo đuổi những thứ bề ngoài.
Họ biết rằng việc thiện chân chính là xuất phát từ nội tâm, nên họ không
cầu danh, không cầu hồi đáp. Do đó việc mà họ làm là đại thiện, và
thường được làm một cách âm thầm, kín đáo, lặng lẽ, không phô trương.
Đây mới là cách làm việc thiện đúng đắn nhất.
Tâm niệm quyết định số mệnh
Tâm
niệm của một người thường thường sẽ trong lúc vô ý mà quyết định số
mệnh cả đời của họ. Hạnh phúc vui vẻ hay không đôi khi không nằm ở việc
chúng ta có bao nhiêu hay có cái gì, mà phụ thuộc vào nội tâm chúng ta
nhìn nhận như thế nào.
Một
người hay phàn nàn không phải là vì anh ta gặp nhiều khó khăn hơn người
khác, mà thường là vì nội tâm của anh ta tràn ngập oán trách, than
phiền. Điều này trong lúc vô hình sẽ trở thành thói quen, khiến anh ta
luôn thốt lên những tiếng than trách buồn bã, oán trời trách đất và sẽ
khiến anh ta gặp nhiều hơn nữa những sự tình không may mắn, tinh thần sa
sút.
Một
người thường xuyên chê trách thì lâu ngày sẽ trở thành thói quen “nhìn
ai cũng không vừa mắt”, “nhìn việc gì cũng chán ghét”. Từ đó hình thành
nên cách nói tiêu cực, lời nào cũng nói đến mặt trái, làm việc thường
hay bắt bẻ, tạo thành cá tính hay nhìn khuyết điểm của người khác. Như
thế sẽ khiến người này sống một cuộc đời buồn khổ, không hiểu được bao
dung và thiện giải.
Một
người hay nói lời thị phi, thì lâu ngày sẽ ở trong cái thị phi đó mà
đưa đẩy. Cũng vì thế, cuộc sống của người này sẽ không nhẹ nhàng và bình
an. Không bình an ấy kỳ thực cũng là một nỗi khổ.
Bởi
thế, hết thảy tâm niệm của chúng ta hôm nay, hết thảy những việc chúng
ta làm hôm nay đều là lựa chọn cho tương lai của mình. Thiện niệm là phù
hợp với thiên lý và cũng là lựa chọn sáng suốt nhất của con người.
Cải biến tâm niệm
Cá
tính, thói quen, tâm thái của một người đều có mối quan hệ mật thiết
với “tâm niệm” của người đó. Tâm tính nếu như không cải sửa thì cho dù
người đó có cải sửa phong thủy, nghề nghiệp, tên họ đi nữa cũng sẽ không
thay đổi vận mệnh được.
Một
tâm niệm thiện lương có thể cải biến một cách nghĩ, cách nghĩ có thể
làm thay đổi tâm thái, tâm thái lâu dần sẽ thay đổi thói quen, từ đó mà
người ta có thể cải biến được cuộc đời. Do đó, một người cần thường
xuyên nhìn cuộc đời tích cực, nhìn vào mặt tốt của người khác nhiều hơn,
biết nghĩ cho người khác hơn. Tâm niệm tốt giống như một hạt giống tốt,
sẽ nở ra một bông hoa xinh đẹp, hương thơm không ngào ngạt nhưng lại có
dư vị hạnh phúc.
Người
thiện lương thì khi nhìn nhận người khác, nhìn nhận sự việc đều lạc
quan, tích cực, nhìn ra điểm tốt của người khác nên dễ dàng có được vận
may trong cuộc đời. Ngoài ra họ luôn khoan dung, nhẫn nhịn, thận trọng
trong mỗi việc, lạc quan yêu đời nên họ sống thọ hơn. Bởi vì tâm thái
luôn ở trạng thái tốt nên phần thiện của những người này thường nhiều
hơn, có tình yêu thương đối với người khác hơn, như thế họ có thể kết
được nhiều thiện duyên, vận khí cũng tốt và tiền đồ cũng rộng mở.