Tư Liệu Văn Hóa

Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Tên Đức Mẹ Maria

Đăng lúc: 00:23 AM 05/05/2022 1   1401

Cùng Chủ Đề

Giỗ Tổ Hùng Vương - Nguồn Gốc và Ý Nghĩa
Quốc Tổ Hùng Vương - Công Viên Văn Hóa Tâm Linh Thiên Long SơnDù ai...
Bồ Tát Di Lặc là ai?
Bồ Tát Di Lặc - Công Viên Văn Hóa Tâm Linh Thiên Long SơnMiệng cười...
Sấm Trạng Trình Tiên Tri Chuẩn Xác Kì Lạ, Ứng Nghiệm Đến Nay
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ tài giỏi, học thức uyên...
Mọi người chắc cũng thường nghe kể về những phép lạ được cho là do Mẹ Maria làm và một số nơi được cho là Đức Mẹ hiện ra đã trở thành những thánh địa thu hút không biết bao nhiêu là tín đồ. Đối với người Công Giáo, Đức Mẹ dịu hiền, nhân từ có lẽ còn gần gũi hơn là Đức Chúa Giêsu, những khi cần được an ủi, chở che, ai cũng tìm đến Đức Mẹ. Nhưng thật sự thì có mấy ai trong chúng ta biết rõ về thân thế của Mẹ Maria, nhân vật mà Kinh Thánh kể rất sơ sài?

Ngày 26/07 hàng năm, Giáo Hội Công giáo mừng nữ thánh Anna, được xem như là mẹ của Maria và thánh Gioakim, là bố của Maria.

Theo Tin Mừng Giacôbê ( người anh em của Đức Giêsu ), vợ chồng Anna và Gioakim khi đó rất đau buồn vì họ không thể có con. Đối với người Do Thái thì đây quả là một thảm họa và người phụ nữ hiếm muộn con như Anna thì chẳng khác gì bị nguyền rủa. Gioakim cũng đau khổ không kém, và để cầu xin Chúa đoái thương, ông đã vào sa mạc để nhịn ăn trong 40 ngày, theo tập quán thời đó.

Đức Mẹ Maria - Công Viên Văn Hóa Tâm Linh Thiên Long Sơn

Đức tin của họ đã được tưởng thưởng, vì các thiên thần sau đó đã hiện ra cho hai người để báo cho Anna và Gioakim rằng họ sẽ có con. Khi đứa con ra sinh ra, bà Anna đặt tên là Maria. Bà cũng rất vui sướng, một điều mà Jacques Duquesne cho là đáng ngạc nhiên, vì thời đó truyền thống trọng nam khinh nữ rất nặng nề. Và việc chính bà đặt tên cho con cũng bất thường, vì đó là đặc quyền của người cha.

Cũng như đối với Chúa Giêsu, không thể nào xác định được Mẹ Maria chào đời khi nào, nhưng các nhà sử học phỏng đoán Mẹ Maria sinh vào năm 20 hoặc 18 trước Công nguyên, nếu chúng ta dựa vào giả thuyết Chúa Giêsu xuống thế làm người vào khoảng năm 6 hoặc 4 trước Công nguyên. Điều này có nghĩa là khi hạ sinh Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ chỉ mới là một thiếu nữ 14 tuổi.

Dựa theo Tin Mừng theo thánh Luca thì Mẹ Maria sinh ra ở Nazareth, thời đó chỉ là một ngôi làng nhỏ có vài trăm dân, nằm cách Jerusalem khoảng 100 km về phía bắc.

Vùng Galilê  dưới sự chiếm đóng của quân La Mã, người phụ nữ Do Thái chỉ sống dưới cái bóng của người chồng, chẳng có vai trò gì khác ngoài việc sinh con và lo việc nhà. Số phận của Maria lẽ ra cũng đã là như thế. Khi chấp nhận đính hôn với Giuse, một người đàn ông lớn tuổi hơn rất nhiều, thiếu nữ Maria chắc cũng sẽ bằng lòng với cuộc sống của một người vợ đảm đang, thầm lặng. Nhưng theo Kinh Thánh thì chính người thiếu nữ nghèo hèn này đã được Thiên Chúa chọn để mang trong mình Đấng Cứu Thế. Và Tin Mừng này đã được thiên sứ Gabirel báo cho Maria :

« Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Yêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Ðấng Tối Cao, và Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Ðavit cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Yacob cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!"       

Nhưng trước khi vâng phục ý Chúa, cô muốn được Thiên sứ Gabirel « giải trình » : "Ðiều ấy sẽ làm sao được? Vì việc phu thê tôi không nghĩ đến!" . Chỉ khi nghe Thiên sứ xác quyết : « Vì với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể!" Maria mới nói: "Này tôi là tớ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài!".

Khi vâng theo lời Chúa, Maria đã chấp nhận rước vào mình những rủi ro: có thai trong khi đã đính hôn với Giuse chắc chắn sẽ bị thiên hạ xỉa xói, chắc chắn sẽ khiến bố mẹ nhục nhã, ấy là chưa kể có thể bị tử hình về tội ngoại tình.

Maria, người mẹ trần thế
Dù mang trong mình mầm mống của một tôn giáo mới, Kytô Giáo, Mẹ Maria cùng Thánh Giuse và Chúa Giêsu cũng phải sống theo đúng những quy tắc nghêm ngặt của Do Thái Giáo. Một trong những nghĩa vụ của tín đồ Do Thái Giáo là mỗi năm phải đến hành hương ở Jerusalem vào dịp Lễ Phục Sinh (Do Thái Giáo, mừng sự kiện nguời Do Thái được giải phóng khỏi ách thống trị Ai Cập). Họ phải đi bộ suốt bốn ngày trời cùng với những đồng hương từ Nazareth đến Jerusalem. Sau lễ, họ thường ở lại vài ngày trước khi trở về vùng Galilê.

Năm đó, khi Chúa Giêsu đến tuổi 12, trên đường trở về nhà, Maria và Giuse bị lạc con trai, bèn tức tốc quay lại Jerusalem. Sau mấy ngày trời lo lắng, tìm kiếm vô vọng, hai vợ chồng mới đến ngôi đền Jerusalem thì thấy Chúa Giêsu. Tin Mừng theo Thánh Luca kể lại rằng Chúa Giêsu lúc ấy « đang ngồi giữa giữa các tấn sĩ mà nghe và hỏi họ. Mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp ». Khi Mẹ Maria trách con : "Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!" Thì Chúa Giêsu đáp lại: "Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao?" Một câu trả lời làm cha mẹ Ngài vô cùng sửng sốt. Theo Thánh Luca, ông bà « đã không hiểu lời Ngài nói với họ ».

Tuy sẵn lòng làm tôi tớ Thiên Chúa, Maria dầu gì cũng như bao người mẹ khác nơi trần thế, lúc nào cũng quan tâm, lo lắng cho con. Cho nên Mẹ Maria chắc là cũng rất khổ tâm khi thấy con trai của mình có vẻ như chẳng màng đến quan hệ máu thịt với người đã cưu mang mình, như lời kể của Tin mừng theo Thánh Marcô : Mẹ Ngài và anh em Ngài đến. Và đứng ngoài, họ sai người vào gọi Ngài. Ngồi xung quanh Ngài có một đám đông, và người ta nói với Ngài: "Này mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài ". Ðáp lại Ngài nói với họ: "Ai là mẹ Ta và anh em Ta?" Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài, Ngài nói: "Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".

Tin Mừng theo Thánh Luca có đoạn:   
« Ðang khi Ngài nói thế, thì giữa dân chúng, một bà cất tiếng nói với Ngài: "Phúc cho lòng dạ cưu mang ông, và vú ông đã bú!" Lẽ ra đây là dịp để Chúa Giêsu tiếp lời ca tụng mẹ mình, nhưng Ngài lại nói : "Đúng hơn là phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa mà noi giữ".

Rõ ràng là đối với Giêsu, tuân lời Chúa còn quan trọng hơn là làm mẹ của Con Thiên Chúa. Tuy vậy, Mẹ Maria vẫn không hề giận con mà trái lại vẫn tin vào Chúa Giêsu

Tên của Đức Mẹ Maria có ý nghĩa gì? Nguồn gốc tên gọi Đức Mẹ Sao Biển: Ngôi sao dẫn đường
Sau khi hạ sinh Ái Nữ (lễ Sinh Nhật Đức Mẹ ngày 8 tháng Chín), Ông Bà Gioakim và Anna đặt tên cho Ái Nữ là Maria (lễ Thánh Danh Đức Mẹ ngày 12 tháng Chín). Hai Ông Bà hợp tác với kế hoạch của Thiên Chúa, đặt cho Đức Mẹ một cái tên được khẩn cầu mãi mãi.

Tương tự các tên khác trong Kinh Thánh, tên Maria cũng mang ý nghĩa đặc biệt về sự liên kết tâm linh.

Trước tiên, tên Maria theo tiếng Do Thái là Miryam. Một số học giả Kinh Thánh thấy trong đó có các từ ngữ Do Thái là MAR (cay đắng, đau khổ) và YAM (biển). Ý nghĩa đầu tiên này liên quan sự đau khổ cay đắng của Đức Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá với dòng lệ mặn chát vị buồn.

Một cách hiểu khác về từ Mar diễn tả Mẫu Danh Maria là “giọt nước biển”. Thánh Giêrônimô diễn tả bằng La ngữ là Stilla Maris, về sau được đổi thành Stella Maris. Điều này giải thích về danh xưng phổ biến dành cho Đức Mẹ “Sao Biển”. Thời đó các thủy thủ thường nhìn sao trời để định hướng để đi, việc gọi Đức Mẹ là Stella Maris đề cập sự hướng dẫn của Đức Mẹ dành cho tội nhân trên đường đến Bến Bờ Vĩnh Hằng.

Thánh Bênađô (1090-1153) có nhiều bài giảng với lời giải thích thấm thía về ý nghĩa của tước hiệu “Đức Maria Sao Biển”, là Đấng bảo trợ, hướng dẫn cho thủy thủ trên biển cả cũng như cho các tín hữu chạy đến kêu cầu Mẹ để vượt qua những khó khăn, thử thách ở trần gian, trên hành trình đến bến bờ bình an.

"Đức Maria là ngôi sao rực rỡ và quý báu, được đặt ở trên biển rộng bao la; Người sáng rực vì công đức, lấp lánh vì gương lành. Khi bạn cảm thấy bị bão tố và làn sóng của thế gian lôi cuốn ra khỏi bờ đất liền, thì xin bạn đừng ngưng nhìn đến ánh sao này, nếu không muốn bị chìm xuống dưới nước. Nếu sóng gió của cơn cám dỗ nổi lên, nếu bạn thấy mình vấp vào các tảng đá, thì bạn hãy nhìn lên ngôi sao, hãy kêu cầu Đức Maria. Nếu bạn bị lung lay bởi cơn sóng kiêu ngạo, hám danh, lăng mạ, ghen tương, thì bạn hãy nhìn ngôi sao, hãy kêu cầu Đức Maria. Nếu cơn giận dữ, tính tham lam, dâm dục ồ ạt làm lung lay chiếc thuyền của linh hồn bạn, thì hãy ngước mắt về Đức Maria. Nếu bạn cảm thấy khủng khiếp vì tội lỗi chồng chất, hổ thẹn vì lương tâm hoen ố, lo sợ vì sự phán xét công thẳng, nếu thấy bị cuốn xoáy rơi xuống mồ của buồn sầu hoặc vực thẳm của thất vọng, thì bạn hãy nghĩ tới Đức Maria. Lúc gặp hiểm nguy, âu lo, nghi nan, thì bạn hãy chạy tới và khẩn cầu Đức Maria".

Với kỹ thuật hàng hải hiện nay, tước hiệu Đức Mẹ Sao Biển vẫn còn giá trị thiêng liêng và thiết thực với những người làm việc tại các bến cảng, trên các tàu biển, các giàn khoan cùng với gia đình của họ, những du khách cũng như các ngư dân. Nhằm phục vụ các thành phần này Giáo hội đã chính thức thiết lập tổ chức Tông đồ Hàng hải (Maritime Apostolate) và thông qua các vị tuyên úy cùng những cộng sự viên để đồng hành, chăm sóc các nhu cầu thiêng liêng đặc biệt của các đối tượng này. Vì thế, Đức Mẹ Sao Biển là bổn mạng của Tổ chức Tông đồ Hàng hải và của nhiều cơ sở như giáo phận, trung tâm đào tạo, trường học, nhà thờ… ở những thành phố hay vùng duyên hải. Nhờ đó, lòng sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu Sao Biển đã phổ biến trong Giáo hội, nhất là qua ngày lễ tước hiệu Đức Mẹ Sao Biển thường được Tổ chức Tông đồ Hàng hải nhiều nơi trên thế giới cử hành vào ngày 27/9 hằng năm. 

Đức Mẹ Sao Biển: ngôi sao hy vọng
Ngôi Sao Biển còn là biểu tượng của niềm hy vọng tin tưởng, vì nó giúp con người không sợ bị lạc hướng. Trong Tông huấn Spe salvi số 49, Đức Bênêđictô XVI đã viết như sau:

"Đời người như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường tối tăm và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường. Những ngôi sao thật trong cuộc sống chúng ta là những người đã sống tốt lành. Họ là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta?"

Theo Đức Bênêđictô XVI, cuộc đời của Mẹ Maria thấm đầy niềm hy vọng của dân Israel như được Kinh thánh ghi lại. Như ông Abraham, ông Simêon và bà Anna, Mẹ có niềm tin vững vàng, niềm hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa. Mẹ đã gặp thử thách, khó khăn trong cuộc sống, nhất là dưới chân Thánh giá, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng và hy vọng để thưa xin vâng cũng như để đồng hành với các môn đệ của Giáo hội sơ khai. Mẹ vẫn ở giữa các môn đệ với tư cách là Mẹ của họ, Mẹ của niềm hy vọng. “Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng con, xin dạy chúng con biết tin, cậy, mến cùng với Mẹ. Xin chỉ cho chúng con đường đến Vương quốc của Con Mẹ! Ôi Ngôi Sao Biển, xin hãy chiếu sáng và hướng dẫn chúng con trên hành trình trần gian”. Amen.

Thánh Thomas Aquino cũng đề cập biểu tượng tương tự: “Maria nghĩa là Sao Biển, bởi vì các thủy thủ được hướng dẫn tới bến bờ nhờ ánh sao khi vượt biển, thế nên các Kitô hữu cũng đạt tới vinh quang nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ”.

Thánh sử Luca đã trình bày một cách có ý nghĩa: “trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,27). Tên gọi thánh thiện, ngọt ngào và cao trọng nhất này rõ ràng phù hợp với một trinh nữ thánh thiện, ngọt ngào và cao quý. Bởi vì, Maria có nghĩa là biển cay đắng, sao biển, đấng chiếu soi hay ánh sáng. Đức Maria còn được gọi là Đức Bà. Đức Maria là biển cay đắng đối với ma quỷ; Mẹ là Sao biển của nhân loại; là ánh rạng ngời cho các thiên thần; là Đức Bà đối với thụ tạo".

Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) cũng nói lại biểu tượng về Đức Mẹ như sau: “Mẹ có nghĩa là Ngôi Sao Biển vì như những thủy thủ đi biển được hướng dẫn vào bến cảng nhờ ngôi sao biển thế nào thì các Kitô hữu sẽ cũng đạt đến vinh quang nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria như vậy”.

Dưới đây là một thánh thi cổ về Đức Maria có từ sau thế kỷ VIII, với tựa đề là Ave Maris Stella (Kính chào Mẹ Sao Biển). Đây là một bản tóm tắt hoàn hảo về vai trò của Đức Mẹ theo ý nghĩa tên của Mẹ.

Kính chào Mẹ là Sao Bắc Ðẩu,
Ðấng mệnh danh Hiền Mẫu Chúa Trời,
Chói loà trinh tiết gương soi,
Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung.

Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự
Gáprien thần sứ tặng ban,
Chữ “E-va” Mẹ đảo vần
Thành “A-ve”gửi bình an cho đời.

Xin cởi dây trói người tội lỗi,
Mở mắt ai tăm tối đui mù,
Ðuổi xa hoạn nạn rủi ro,
Ðổ tuôn hồng phúc tựa hồ mưa sa.

Xin chứng tỏ Mẹ là Từ Mẫu
Chuyển lời cầu đạt thấu Hoàng Thiên,
Toà cao Thánh Tử uy quyền
Vua Trời Cứu Thế đã nên người trần.

Ôi Trinh Nữ siêu phàm khôn ví,
Ôi hiền hoà tuyệt thế Nữ Trinh,
Cứu đoàn con khỏi tội tình
Trở nên thanh khiết hiền lành từ đây!

Xin giúp sống chuỗi ngày trong trắng,
Mẹ dẫn đường là chẳng phải lo,
Mai ngày gặp Chúa Giêsu,
Vui mừng hưởng phúc thiên thu chan hoà.

Lạy Thiên Chúa Ngôi Cha từ ái,
Lạy Ngôi Con quảng đại vô lường,
Thánh Thần trải rộng tình thương
Ba Ngôi hiển trị thiên đường quang vinh.

(Thánh thi Kinh Chiều II - Đức Trinh nữ Maria)


Những di tích về Mẹ Maria

Tiểu vương cung Thánh đường Truyền tin ở Nazareth đã được xây tại nơi được cho là nơi mà thiên sứ Gabriel đã hiện ra để báo tin Đức Trinh Nữ Maria được thụ thai Chúa Giêsu nhờ ơn Thánh thần. Trong nhà thờ này có một bàn thờ được cho là phế tích của ngôi nhà mà Đức Mẹ sống vào thời thơ ấu. Cũng tại Nazareth, có một nguồn nước mà Đức Mẹ vẫn đến để lấy nước

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, có một căn nhà gọi là Nhà của Đức Trinh Nữ Maria. Tuy Giáo Hội chưa chưa hề công nhận hay phủ nhận tính xác thực của ngôi nhà này, tuy nhiên hàng đoàn người hành hương vẫn tới thăm căn nhà này, từ khi phát hiện ra địa điểm này vào thế kỷ 19. Họ tin rằng, sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, để tránh bị bách hại, Đức Mẹ Maria đã được thánh Gioan đưa từ Jerusalem tới sống trong ngôi nhà bằng đá này cho tới khi Đức Mẹ Lên Trời (theo giáo lý Công Giáo) hoặc Đức Mẹ An Giấc (theo giáo lý Chính Thống Giáo Đông Phương).


Mặt tiền Mộ Đức Trinh nữ Maria ở thế kỷ thứ 12

Mộ Đức Maria ở cạnh phía đông của nhà thờ

Đức Trinh Nữ Maria đã được mai táng tại thung lũng Kidron, ở chân núi Olives, phía Đông Jerusalem và tại nơi đây hiện nay có Nhà thờ mộ Trinh Nữ Maria.

Ý kiến bạn đọc (1)

Em muốn vô nhóm để học hỏi khi em không hiểu được mấy anh chỉ dạy vì sư phụ bận không thể nào hỏi được. Em cảm ơn Em muốn tỉnh tâm cái đầu em nó nhảy đủ thứ chuyện lên rồi làm sao cũng không được, có thể chỉ em được không ạ
Thiên hiền - 23:22 PM 06/02/2023 Vi phạm