Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm

Thể loại

TRANG CHỦ

THIENTAMISM

THIÊN TUẤN KIỆT

NGÔ TUẤN KIỆT OFFICIAL

GIÁO LÝ

THƯ VIỆN

TAM ĐẠI TẠNG KINH

PHÁP ÂM

TIN TỨC

HÌNH ẢNH

GIẤY CHỨNG NHẬN

Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm

Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm

Tâm nhìn nên thấy toàn thế giới, Tâm chí cần trùm khắp Pháp giới.

Các vị thiện tri thức! Chẳng biết bao nhiêu lần chúng ta đã tụ hội cùng nhau trong vô lượng kiếp trong quá khứ, nhưng tất cả đều giống như một giấc mơ. Đủ loại cảnh giới xuất hiện trong giấc mơ, nhưng khi chúng ta tỉnh dậy chúng ta đã quên mất những cảnh giới này. Cuộc gặp gỡ hiện nay của chúng ta cũng giống như một giấc mơ. Khi chúng ta thức dậy ra khỏi giấc mơ, vài người trong chúng ta sẽ có ký ức mơ hồ về giấc mơ, trong khi những người khác sẽ nhớ rất rõ về giấc mơ. Có lẽ chúng ta đều nhận được những giáo hóa của Đức Phật từ vô lượng kiếp trước, nhưng chúng ta khi đó chưa thật sự hiểu rõ Phật pháp. Do đó tại thế giới Ta Bà này giống như một giấc mộng và chúng ta không thật sự nhớ nhau.

Bây giờ chúng ta đã tụ hội lại, chúng ta muốn làm sáng tỏ những trần ảnh mơ hồ, chúng ta muốn hiểu được các đối tượng của sáu giác quan (lục trần) đến từ đâu. Để làm được điều đó, chúng ta trước hết phải học trí tuệ Bát Nhã. Một khi có trí tuệ Bát Nhã, chúng ta có thể quét sạch tất cả mọi ảnh trần đã tích tụ lại từ xa xưa cho đến bây giờ. Đây là mục tiêu chung của chúng ta trong việc nghiên cứu học giáo lý của Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói, “Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” (1). Đức Phật cũng nói, “Mọi người nam đều là cha ta, và mọi người nữ đều là mẹ ta.” (2) Qua những lời này, chúng ta nên biết rằng tất cả chúng sanh đã từng là cha mẹ chúng ta trong quá khứ và sẽ trở thành những vị Phật trong tương lai. Như vậy nếu chúng ta không đối xử với những người nam vả người nữ bình đẳng như nhau – nếu chúng ta trọng nam khinh nữ hay hay trọng nữ khinh nam thì đều là không hiếu thuận. Hoặc nếu chúng ta có tâm khinh mạn xem thường chúng sanh thì chưa đạt đến cảnh giới viên mãn vô ngại của Phật Pháp.

Như thế chúng ta biết rằng tất cả chúng sanh nếu không có vọng tưởng chấp trước thì đều có thể thành Phật thì tại sao chúng ta không buông xả được những vọng tưởng này? Không buông xả được những chấp trước này? Chúng ta nửa đường dừng lại, muốn tiến thì không tiến được, muốn lùi cũng không lùi được. Tiến tới không được gì, thối lui cũng không mất gì, giữa đường dừng lại không tiến nữa, xem đó là nơi để an thân lập mệnh. Đó có phải là chúng ta bỏ uổng tương lai không chịu nỗ lực?

Đạo Phật phát nguyên từ Ấn Độ và sau đó lan truyền đến nhiều quốc gia khác nhau, mỗi quốc gia đều đón nhận Phật Giáo theo cách riêng của quốc gia mình. Miến Điện có Phật giáo Miến Điện, Cam Bốt có Phật giáo Cam Bốt, Việt Nam có Phật giáo Việt Nam, Thái Lan có Phật giáo Thái Lan, Trung Hoa có Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản có Phật giáo Nhật Bản.và Đại Hàn có Phật giáo Đại Hàn. Khi Đức Phật nói Pháp, Ngài có phải chỉ nói riêng với một quốc gia không? Không phải như vậy! Đức Phật ban giáo pháp tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của người dân lúc đó. Ngài xem mọi người dân ở mọi quốc gia đều bình đẳng như nhau. Phật Pháp vốn không phân chia thành quốc gia. Những quốc gia khác nhau lấy Phật Giáo thành sở hữu quốc gia và không muốn Phật Giáo phát triển rộng lớn, họ nói rằng Phật Giáo là thuộc về quốc gia của họ.

Vì những lý do này, khi tôi tới thăm một tu viện Phật giáo ở Miến Điện vài thập kỷ trước [vào năm 1953] và được yêu cầu viết vài chữ trong sổ lưu niệm của họ, tôi đã viết rằng: “Tầm nhìn nên thấy toàn thế giới, Tâm chí cần trùm khắp Pháp giới” (3). Ý của tôi là: Nều chúng ta muốn Phật Giáo phát triển rộng lớn thì chúng ta phải nhìn xa về tương lai. Chúng ta phải đưa Phật Giáo đến mọi quốc gia, đến mọi ngõ ngách trên thế giới, và thậm chí đến mỗi hạt bụi nhỏ. Mỗi nơi chúng ta đến, chúng ta phải chuyển Đại Pháp Luân (bánh xe Pháp vĩ đại) và giáo hóa chúng sanh làm cho mọi chúng sanh lìa khổ được vui, liễu sanh thoát tử. Do đó tôi mạo muội nói rằng: “Phật Giáo không thuộc một quốc gia nào. Phậc Giáo là của toàn nhân loại, Phật Giáo là của tất cả chúng sanh. Chúng ta không nên xem Phật giáo là một kho báu riêng tư. Chúng ta nên làm mọi cách để ánh sáng Đạo Phật tỏa sáng chiếu khắp thế giới.”

Khi tôi gặp Đức Hồng Y Công giáo Vu Bân trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Đài Loan, tôi đã nói với ngài: “Ngài nên là một Phật tử trong số những người Công giáo. Ngài không nên giữ quan điểm giáo phái.” Lúc đó ngài là một Đức Hồng Y, chỉ một cấp dưới Đức Giáo Hoàng. Ngài đã ngạc nhiên trước đề nghị của tôi là ngài hãy trở thành người Công giáo gốc Phật giáo. Nghe có vẻ gần như là một sự xúc phạm. Tôi nói: “Ngài đừng đừng lo lắng. Tôi sẽ là một người Công giáo trong số những người theo đạo Phật. Nếu hai chúng ta có thể cùng nhau thông hiểu và loại bỏ tất cả các quan điểm, xung đột và ranh giới của giáo phái, thì lúc đó sẽ không còn chiến tranh trên thế giới nữa. Các tôn giáo sẽ không còn loại trừ nhau nữa. Tôi sẽ không nói rằng ngài sai và ngài sẽ không nói rằng tôi không tốt. Ngay cả sau khi chúng ta đã ăn no và không có gì tốt hơn để làm, chúng ta sẽ không đi quanh tạo ra những cuộc tranh cãi trên thế giới. Ngài có tin điều này không?” Ngài suy nghĩ một lúc rồi vỗ vào đùi và nói, “Hãy làm điều đó!” Và ngài bắt đầu lạy Phật và nghiên cứu Phật pháp. Nhưng ngài vẫn không từ bỏ hy vọng của mình để được nổi tiếng hơn, và vì vậy ngài đã trở thành một ứng cử viên cho chức vụ Giáo Hoàng. Có lẽ ngài không có phước báo và ngài đã không được chọn làm Giáo Hoàng. Và trời đã không ủng hộ ngài để ngài sống lâu dài. Không biết là ngài đã lên Thiên Đàng hay đến cõi Cực Lạc; hễ nơi nào có sức hút mạnh mẽ nhất, đó là nơi ngài đến.

Ngay sau khi tôi đến Hoa Kỳ, một học giả Cơ Đốc Giáo – tôi không nhớ ông là người Công Giáo hay theo đạo Tin Lành – đã đến gặp tôi. Không rõ ông ta chỉ muốn hỏi một câu hỏi hay tranh luận với tôi, nhưng ông ta hỏi là: “Theo ông nghĩ thì tôn giáo nào là tôn giáo tốt nhất thế giới?” Hầu hết các Phật tử có lẽ sẽ nói Phật giáo là tốt nhất. Nhưng nếu tôi nói vậy, ông ta sẽ không hài lòng, ông ta sẽ tranh luận với tôi và cố tìm ra điểm yếu của tôi. Tôi không mánh khóe cũng không khôn lanh, tôi không muốn tranh luận với ông ta. Như có câu nói: “Người thiện thì không biện luận; người biện luận thì không thiện. Người trí không biện bác; người biện bác thì không trí.” (4). Vì tôi sẽ không biện luận với ông ta, thì làm thế nào để có thể ngưng việc khẩu chiến? Tôi bèn nói: “Tôn giáo nào mà ông tin vào thì đó là tôn giáo tốt nhất!”

“Tại sao?” Ông ta hỏi lại.

“Vì nếu không, thì tại sao ông lại tin vào tôn giáo đó? Thực tế là ông tin vào tôn giáo đó cho thấy đó là tôn giáo tốt nhất. Không cần phải tranh luận. Ông tin vào tôn giáo mà ông nghĩ là tốt nhất, và tôi tin vào tôn giáo mà tôi nghĩ là tốt nhất. Như thế thì không cần gây chiến tranh, không cần tạo khẩu chiến, và không cần phải tranh luận. ” Khi nghe điều đó thì ông ta không còn gì để nói nữa.

Kinh Hoa Nghiêm có nói:

Người muốn biết rốt ráo

Chư Phật trong ba đời

Hãy quán tánh pháp giới

Tất cả do tâm tạo. (5)

Tất cả những suy nghĩ của chúng sanh chúng ta thì chư Như Lai đều thấy biết. Người xưa có nói:

Ba điểm như chùm sao,

Lưỡi câu như trăng khuyết,

Mang lông là từ đây,

Làm Phật cũng do đây. (6)

Tại sao lại là “Tất cả do tâm tạo”? Nếu quý vị nhìn vào cách viết chữ Tâm (心) của người Trung Hoa, thì chữ Tâm (心) có ba dấu chấm như những ngôi sao xếp hàng trên bầu trời và một cái móc như mặt trăng lưỡi liềm. Có những lúc mặt trăng đầy, và vào những lúc khác thì trăng khuyết. Điều đó cũng giống như tâm của chúng ta. Có những lúc chúng ta có ý tốt, nhưng có lúc thói quen, tập khí lâu đời của chúng ta khống chế và cuồng tâm dã tánh của chúng ta thể hiện, vì vậy chúng ta bỏ bê không làm những việc rõ ràng là tốt và khăng khăng làm những gì rõ ràng là xấu xa.

Chúng ta đang nghiên cứu về Tâm, để tôi đưa ra một ví dụ cá nhân. Khi tôi còn trẻ, tôi không phải là người tốt lắm. Tôi thích chơi những trò trêu chọc. Ý tôi là tôi đã gây phiền hà rắc rối cho người khác. Tôi bắt đầu đi học khi tôi mười lăm tuổi, tiếp tục đi học năm tôi mười sáu tuổi và mười bảy tuổi, vì vậy tôi đã học tổng cộng hai năm rưỡi. Khi tôi mười bảy hoặc mười chin tuổi, tôi trở thành một Sa Di [tu sĩ tập sự]. Ở Trung Hoa thì có phong tục viết câu đối vào năm mới âm lịch. Thông thường mọi người viết các câu tốt lành hoặc cách ngôn. Vì tôi mới bắt đầu học Phật giáo, tôi đã nhắm mắt và viết một cách say sưa “Trí tuệ như biển” (7). Đó là năm mới, vì vậy câu viết này được treo trên tường. Một trong những người bạn Sa Di của tôi đã nhìn thấy câu này, và tôi không biết là anh ta nghĩ câu đó là hay hay không, nhưng anh ta cứ đọc đi đọc lại. Có lẽ anh ta bị ảnh hưởng bởi những nét viết điên cuồng của tôi được viết như thể tôi đang say. Sau khi anh ấy đọc câu “Trí tuệ như biển” vài chục lần, tôi nói, “Nghiệp lực anh như biển!” Khi vừa nghe câu đó, anh ta liền nổi giận. Trước đó khi anh ta niệm bốn chữ “Trí tuệ như biển” thì như đang nhập định, nhưng bây giờ thì anh xuất định, anh đã xuất định rồi lại nổi nóng đòi đánh tôi.

Tối nói: “ ‘Nghiệp lực anh như biển’, nhưng anh chưa nghe lời giải thích của tôi. Nó có thể là ‘Nghiệp tốt như biển’ (thiện nghiệp như hải), hoặc ‘Nghiệp xấu như biển’ (Ác nghiệp như hải). Nếu tôi nói rằng nghiệp tốt của anh giống như biển, thì có gì để phải nổi nóng?” Khi tôi nói điều đó, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng tính khí nóng của anh ấy lúc đó đã biến mất. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng “tâm con người” (nhân tâm) là chỉ thay đổi một chữ có thể tạo ra sự khác biệt. Khác một chữ có thể gây nóng giận, khác một chữ có thể sanh tâm hoan hỷ. Quý vị hãy suy nghĩ về điều này. Cái gì khiến chúng ta hành động như vậy?

Có một lần khác tôi lại nghịch ngợm. Điều này cũng xảy ra khi tôi còn là một Sa Di. Tôi đang đi mang theo một cuộn giấy trắng thì một Sa Di khác nói lớn: “Trên giấy anh đang mang viết gì vậy? Hãy cho tôi xem.” Sau đó, anh ấy cố lấy cuộn giấy tôi mang để xem những gì được viết trên đó. Nếu tôi nói với anh ấy rằng giấy không có chữ gì viết trên đó, thì anh ấy sẽ nhất định không tin tôi. Do đó tôi nói: “Tôi không thể cho anh xem giấy này, vì đó là hợp đồng tôi bán anh cho người khác.”

Khi nghe điều đó, anh ta không vui nói : “Anh có quyền gì mà đem tôi đi bán?”

“Tôi có quyền đem anh đi bán.” tôi nói.

Anh ta cố giật lấy giấy từ tay tôi. Tôi nói, “Vì tôi là một người xuất gia, tôi có quyền đem anh đi bán.”

“Tôi không tin điều đó.” Anh nói.

“Tôi sẽ nói cho anh biết, và lúc đó anh cũng sẽ thừa nhận rằng tôi có quyền bán anh.”

“Thật kỳ lạ! Anh bán tôi cho ai?” Anh hỏi.

“Bán cho Phật!” Tôi nói.

Khi nghe như vậy, anh ta không thể nói gì nữa. Sau một hồi im lặng, anh ta nói, “Vậy thì được.”

Như quý vị thấy, một sự thay đổi nhỏ như vậy đã tạo ra sự khác biệt giữa có thể được và không thể được. Câu chuyện này rốt cuộc nói lên điều gì?

Hai công án tôi vừa kể là những kinh nghiệm tu hành của tôi. Do đó nói rằng “Tất cả do tâm tạo” thì đúng là chính xác.

Về “PhápGiới” thì có mười Pháp Giới là:

  1. Pháp Giới của Phật
  2. Pháp Giới của Bồ Tát
  3. Pháp Giới của Duyên Giác
  4. Pháp Giới của Thanh Văn
  5. Pháp Giới của Chu Thiên
  6. Pháp Giới của A Tu La
  7. Pháp Giới của Loài Người
  8. Pháp Giới của Súc Sanh
  9. Pháp Giới của Ngạ Quỷ
  10. Pháp Giới của Địa Ngục

Mười Pháp Giới này không ngoài một tâm niệm của chúng ta. Nếu tâm chúng ta luôn trụ trong từ bi hỷ xả của chư Phật thì tương lai chúng ta sẽ thành Phật. nếu trong tâm chúng ta luôn thực hành Sáu ba la mật của bồ tát – bố thi, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ – thì tương lai sẽ thành Bồ Tát.

Nếu chúng ta tu Mười Hai Nhân Duyên – vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Mười Hai Nhân Duyên này là Pháp Nhân Duyên, thì tương lai sẽ thành Duyên Giác.

Nếu chúng ta tu Pháp Bốn Thánh Đế – khổ tập diệt đạo – đây là Pháp của Thanh Văn, thì thì tương lai sẽ thành Thanh Văn.

Nếu chúng ta tu Ngũ Giới Thập Thiện, thì có thể sanh lên các cõi trời. Ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Thập thiện là thân không phạm ba ác nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm; tâm không phạm ba loại ác nghiệp của ý là tham, sân; miệng không tạo bốn ác nghiệp là nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai chiều đâm thọc. Khi chuyển mười điều ác này thì thành mười điều thiện – Thập Thiện,. Nếu chúng ta không phạm mười điều ác này thì sẽ trở thành mười điều thiện, sai khác chỉ trong một niệm. Quý vị tu Ngũ Giới Thập Thiện, thì sẽ sanh về các cõi Trời; nếu quý vị cang cường cứng đầu, tánh tình thích đấu tranh, thì sẽ sanh làm A Tu La trên cõi Trời; nếu quý vị không làm các điều ác, luôn làm các điều lành thì có thể giữ được thân người; nếu quý vị luôn làm việc của súc sanh thì tương lai sẽ làm súc sanh; còn quý vị tạo toàn tội nghiệp ác thì tương lai sẽ đọa địa ngục; quý vị tham lam không buông xả thì tương lai sẽ chuyển thảnh ngạ quỷ. Tất cả đều từ một tâm niệm của quý vị khởi ra, tất cả Pháp Giới đều không ngoài một niệm của tâm. (8)

“Tâm thành thì linh ứng” (9) quý vị hết lòng chuyên chú tâm trí thì làm bất cứ việc gì cũng thành tựu. Hết lòng chuyên chú tâm trí tức là chí thành. Có câu “Chí thành tột cùng thì sắt đá cũng khai mở” (10). Chúng ta dù làm bất cứ việc gì đều cần có thành tâm, không có một chút tâm tạp loạn. Do đó “Chuyên chú nhất tâm” thì làm gì cũng thành tựu. Khi chúng ta tu hành Phật Pháp, cần chuyên chú nhất tâm, tâm niệm luôn nhớ nghĩ. Cần xem Phật Giáo quan trọng hơn việc ăn uống, quan trọng hơn việc kiếm tiền, quan trọng hơn việc thắng đua ngựa. Cần xem Phật Giáo quan trọng hơn việc học, quan trọng hơn việc lấy được học bổng hay học vị tiến sĩ, quan trọng hơn việc ăn mặc, quan trọng hơn việc ngủ nghỉ. Nếu trong mỗi niệm đều nhớ điều này và không nói dối thì mọi người đều có thể thành Phật. Tất cả tùy thuộc vào trình độ tinh tấn của quý vị như thế nào.

Chúng ta đều biết Đức Phật có nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” Tôi nghĩ nhiều người không hiểu rõ đạo lý “vô ngại”. Có thể quý vị hiểu hoặc không hiểu những điều tôi nói ngày hôm nay, nhưng dù quý vị có đồng ý với tôi hay không, tôi cũng cần nói ra. Tôi có thể nói là: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Bồ Tát, đều có thể trở thành Bồ Tát. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành Bồ Tát.” Tất cả chúng sanh đều có tánh Duyên Giác, đều có thể trở thành Duyên Giác. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành Duyên Giác. Tất cả chúng sanh đều có tánh Thanh Văn, đều có thể trở thành Thanh Văn. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành Thanh Văn. Tất cả chúng sanh đều có tánh của chư Thiên, đều có thể trở thành chư Thiên. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành chư Thiên. Tất cả chúng sanh đều có tánh A Tu La, đều có thể trở thành A Tu La. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà thành A Tu La. Tất cả chúng sanh đều có tánh loài Người, đều có thể trở thành loài Người. Chỉ vì những vô minh vọng tưởng chấp trước mà đi theo hướng thành loài Người. Ba đường ác cũng giống như vậy. Tất cả chúng sanh đều có tánh Súc Sanh, đều có thể trở thành Súc Sanh. Vì sao? Vì có những vọng tưởng chấp trước của súc sanh. Tất cả chúng sanh đều có tánh Ngạ Quỷ, đều có thể trở thành Ngạ Quỷ. Nếu quý vị làm nhiều mười điều ác sát sanh, trộm cắp, tà dâm, tham, sân, si, nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai chiều đâm thọc, thì sẽ thành ngạ quỷ. Tất cả chúng sanh đều có tánh Địa Ngục, đều có thể đọa Địa Ngục. Nếu quý vị không cẩn thận lúc còn làm người thì có thể vào Địa Ngục.

Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà chúng ta thành chúng sanh trong chín Pháp Giới. có vọng tưởng chấp trước loài nào thì thành loài đó. Nếu chúng ta làm cho vọng tưởng của chúng sanh trong chín Pháp Giới đều trở thành không thì dù chúng ta không cầu thành Phật, trong tương lai không xa chúng ta cũng thành Phật. Tại sao lại nói như vậy? Để tôi đưa ra ví dụ trong cõi người: Trước đây chí người nào sanh trong dòng hoàng đế mới có thể làm hoàng đế, người dân thường không thể làm hoàng đế. Nếu người dân thường làm hoàng đế, đó là do tạo phản, soán đoạt ngôi vị. Trong các quốc gia dân chủ tân tiến, có tuyển cử Tổng Thống, và ai cũng có thể làm Tổng Thống. Có thể nói là tất cả người dân đều có tư cách làm Tổng Thống. Cũng giống như vậy, bất cứ ai cũng có thể thành Phật, miễn là họ tinh tấn tu hành. Về phương diện này, trở thành Phật thì tương tự như trở thành người đứng đầu quốc gia. Tôi không biết những điếu tôi nói có đúng không. Nếu tôi nói không đúng thì chỉ xem đó như là lời nói trong giấc mộng.

Bây giờ quý vị có thể hỏi, nhưng chỉ hỏi những vấn đề đơn giản. Nếu như quý vị hỏi vấn đề quá sâu xa, chúng ta có thể để Pháp Sư Ajahn Sumedho trả lời. [Mọi người cười].

Một Tỳ Kheo: Trong bài “Vũ Trụ Bạch” (11) [một bài thơ của Hòa Thượng Tuyên Hóa], có câu “Hai tay đấm nát nắp hư không” (12) có nghĩa là gì?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Không có ý gì. [Mọi người cười]. Nếu có ý gì thì không đấm nát hư không được.

Một cư sĩ hỏi: Phương pháp ngồi thiền của quý vị có khác phương pháp ngồi thiền của Pháp Sư Ajahn Sumedho dạy không? Nếu có khác, thì khác những gì?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: “Về nguồn thì không có hai con đường, nhưng phương tiện thì có nhiều cửa.” (13). Đây cũng giống như ông có cái mặt của ông, tôi có cái mặt của tôi, người kia thì có cái mặt của người kia. Mặc dầu mặt không giống nhau, nhưng tất cả đều là người, tâm đều cùng một dạng. Ông không thể nói mỗi cá nhân đều cùng giống nhau mọi phương diện. Đạo lý ở đây cũng giống như vậy.

Một cư sĩ hỏi: Bồ Tát Quán Thế Âm có nằm trong phạm vi suy xét của Hòa Thượng hay không?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Ai nói là Bồ Tát Quán Thế Âm không có trong đó?

Một Sư Cô hỏi: Con nghe nói Hòa Thượng “Luôn ngồi không nằm” (14). Hòa Thượng luyện tập như thế nào? Và với mục đích gì?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Có ai nói rằng tôi “Ngồi ít nằm lâu không”? Điều này không có gì cố định. Nếu quý vị muốn ngồi thì cứ ngồi, nếu quý vị muốn nằm thì cứ nằm. Chuyện người khác nói quý vị ngồi hay nằm không quan trọng. Tại sao lại chấp trước vào điều này? Nếu quý vị chấp trước vào điều gì, thì điều đó trở thành gánh nặng. Chúng ta là người tu hành thì điều quan trọng nhất là đừng bao giờ sanh phiền não, ngồi không sanh phiền não, nằm cũng không sanh phiền não. Điều quan trọng nhất là cắt đứt phiền não. Phiền não vô tận thệ nguyện thay đổi, cần biến phiền não thành Bồ Đề. “Phiền Não” chính là không giác ngộ, “Bồ Đề” tức là giác ngộ.

 Thấy sự tỉnh sự là xuất thế gian,

Thấy sự mê sự là bị trầm luân. (15)

Tất cả vạn sự vạn vật trên thế gian đều đang thuyết Pháp。 mỗi cá nhân đang thuyết Pháp của cá nhân đó. Mỗi sự việc đang thuyết pháp của sự việc đó. Mỗi việc mỗi vật đều đang thuyết Pháp. Tất cả đều đang thuyết Pháp. Khi chúng ta hiểu được tất cả đang thuyết Pháp, thì chúng ta nên biết làm gì.

Có câu:

Tánh định ma phục ngày ngày vui,

Vọng niệm không khởi chốn chốn an. (16)

Tôi có bài kệ:

Tất cả là khảo nghiệm,

Xem bạn sẽ làm sao?

Đối cảnh mà không biết,

Phải luyện lại từ đầu.

Thành thật nhận lỗi mình,

Chớ bàn luận lỗi người,

Lỗi người tức lỗi mình,

Ðồng thể tức Ðại Bi. (17)

Lại có bài:

Đúng sai cần gì cãi,

Thật giả lâu tự biết,

Kẻ trí thấy chân thật,

Kẻ ngu hành giả dối,

Kẻ tốt học Bồ tát,

Kẻ xấu dám mắng Phật,

Tâm Đại Bi bình đẳng,

Phổ độ chúng hữu tình. (18)

Những điều tôi nói quý vị đều đã biết, tôi chỉ đưa những điều này ra để ôn tập lại. Vì tôi là người Trung Hoa và quý vị đều là người Anh hay người Mỹ, quý vị có thể lắng nghe những đạo lý quý vị đã biết, và lảm cho những đạo lý này thành thêm quen thuộc.

Như bài đăng này?
Bài Viết Liên Quan

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.