Quốc Tổ Hùng Vương - Công Viên Văn Hóa Tâm Linh Thiên Long Sơn
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Câu ca dao đã đi vào lòng người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt. Lạc Long Quân lấy vợ là Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, bọc trăm trứng nở ra một trăm người con – chính là tổ tiên của người Việt.
Âu Cơ có mang được 3 năm 3 tháng 10 ngày mới thấy chuyển dạ. Nơi nàng lâm bồn là một chiếc lều tranh bên đường không xa kinh thành, nàng sinh ra một cái bọc. Long Quân vô cùng kinh ngạc, Ngài cho quần thần dựng đàn tế cáo trời đất. Trong lúc cử hành lễ bái thì trời nổi mây ngũ sắc, năm người cao lớn dị thường đầu đội mũ Kim Quang, mặc áo bào xanh, lưng đeo đai ngọc, tuyên bố "Ngọc Hoàng Thượng đế cử chúng ta xuống để thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Hoàng hậu sinh ra một cái bọc đó là điềm vô cùng tốt đẹp, trong bọc có một trăm trứng, những người con này sẽ giúp nhà vua trị dân giữ nước". Đúng ngày rằm tháng 1 năm sau, mây ngũ sắc lại tái hiện, ngôi nhà rực sáng, bọc trứng tự nở ra một trăm người con.
Lạc Long Quân và Âu Cơ là cha mẹ của các vua Hùng. Hùng Vương là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt.
Tổ Phụ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ - Công Viên Văn Hóa Tâm Linh Thiên Long Sơn
Thời Lạc Long Quân trị vì, nhà vua dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về vua tôi, tôn ti, có luân thường về cha con, vợ chồng. Ban đầu do ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm; lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy, đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm. Gác cây làm nhà để tránh hổ báo; con đẻ ra lót lá chuối cho nằm, nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe chạy đến giúp. Trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông.
-600x420.jpg)
Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân tại Đền Nội Bình Đà
Lạc Long Quân phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi làm vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú ). Nam Việt chí khoảng thế kỷ V ghi: Vùng đất Giao Chỉ rất màu mỡ, di dân đến ở, thoạt đầu biết trồng cấy. Đất đen xốp. Khí đất hùng (mạnh).
Hùng Vương sai các em trai phân trị, đặt em thứ làm Tướng võ, Tướng văn. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, Tướng võ là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan Hữu ty gọi là Bố Chính, thần bộc, nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền nhau cho đến hiệu là Hùng Vương không đổi.

Cả nước chia thành 15 bộ. Đứng đầu mỗi bộ lạc là lạc tướng hay còn gọi là Phụ đạo, bộ tướng. Dưới bộ lạc là các công xã nông thôn, bấy giờ có tên là kẻ, chiềng, chạ. Đứng đầu kẻ, chiềng, chạ là các bồ chính (già làng).
15 bộ là: Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận.
Theo "Việt sử lược", quyển thượng, Quốc sơ duyên cách thì nhà nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc: Giao Chỉ, Việt Thường Thị, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thang Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức, Kinh đô đặt tại Văn Lang.
Trong "Đại Việt sử ký toàn thư", Ngoại kỉ, quyển 1, Hồng Bàng thị kỉ, cương vực và tên gọi 15 bộ của nước Văn Lang được chép gần như tương tự, chỉ khác là không có bốn bộ Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận mà thay vào đó là bốn bộ Vũ Định, Bình Văn, Tân Hưng và Cửu Đức. Bộ Văn Lang là nơi vua đóng đô.
Lãnh thổ của nước Văn Lang được xác định ở khu vực đồng bằng sông Hồng, phía đông bắc giáp với Âu Việt, phía tây bắc thuộc các tỉnh miền bắc Việt Nam và một phần đất tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay, phía đông giáp với biển Đông, phía tây tiếp giáp và chạy dọc theo dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc Lào Cai, Sơn La ngày nay), phía nam giáp Hồ Tôn Tinh (hay Hồ Tôn), một quốc gia Champa cổ. Dân số của Văn Lang khoảng 40, 50 vạn người, chủ yếu phân bố ở khu vực trung du, hạ du sông Hồng và sông Mã.
-800x569.jpg)
Trải qua 18 đời vua Hùng, đã xây dựng nên một nền tảng văn hóa Việt và truyền thống yêu nước - dân tộc Việt Nam, một dân tộc chưa từng biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một tên giặc ngoại xâm nào.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 đã chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 nhà vua chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Lăng vua Hùng ở Phú Thọ
Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở khắp nơi đập chung một nhịp, thể hiện lòng tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Giổ Tổ Hùng Vương là dịp để mọi người Việt Nam nâng cao niềm tự hào dân tộc, là dịp các gia đình quây quần bên nhau, nhắc nhở chúng ta cần tìm hiểu cội nguồn tổ tiên, bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó có ý thức làm những việc ích nước, lợi nhà, xây dựng gia đình thành môi trường của tình thương yêu, lòng biết ơn với tổ tiên.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp thể hiện lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công lập quốc và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Lễ Giỗ Tổ đang đến rất gần - đó không chỉ là ngày hội tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta - mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc Việt Nam.
-1000x657.jpg)