
Đức Tính Khiêm Cung Của Tôn Giả Xá Lợi Phất & cuộc đối đáp luận đạo cực kỳ lý thú của các bậc thượng thủ.
Tôn
giả Xá Lợi Phất là bậc thiện tri thức của tất cả mọi người. Ngài được
tất cả yêu kính không những vì trí tuệ siêu phàm mà còn vì đức khiêm
cung và lòng từ bi hiếm có. Ngài không bao giờ tỏ ra mình là bậc thượng
thủ trong giáo hội của Phật. Trong tinh xá Kỳ đà lâm, tôn giả luôn luôn
vấn an thăm hỏi những vị thượng tọa già yếu bệnh tật, và mỗi khi ra khỏi
độc cư thiền tịnh Ngài thường đi một lượt quanh khu tinh xá, quét dọn
lại những nơi bừa bãi, để du khách khỏi chê cười đệ tử Phật ở dơ. Mỗi
khi theo Phật du hóa một vùng xa, tôn giả thường đi sau cùng, sau khi
thu xếp cho những vị tỳ kheo yếu bệnh. Cũng vì lẽ ấy mà mà có bận Tôn
giả đến nơi đã định khi đã quá nửa đêm; không còn chỗ nào dành cho Tôn
giả, tôn giả đành ngồi nghỉ tạm ngoài trời, dưới một gốc cây. Khi đức
Phật rõ biết việc này, Ngài liền chế định, phải dành chỗ sẵn cho các bậc
tôn túc trưởng thượng.
Thông
thường, những người quá thông minh xuất chúng phải trả giá thiên tài
của họ bằng nỗi cô đơn. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại là một ngoại lệ.
Ngài có rất nhiều bạn, có thể nói Ngài là bạn của tất cả, kể từ đức Phật
trở xuống.
Nhiều
kinh điển Pali đã ghi lại những cuộc luận đàm kỳ thú giữa Tôn giả Xá
Lợi Phất với những bậc Thánh đệ tử khác. Chính đức Ðạo sư dường như cũng
ưa nói chuyện với Tôn giả hơn với những người khác. Ngài thường gọi:
"Này Xá Lợi Phất" mỗi khi thuyết pháp. Thật là một địa vị đáng thèm!
Ðức
tín thứ nhất làm cho mọi người yêu kính tôn giả, là ngài biết thấy ưu
điểm của người khác. Một lần, khi tôn giả đang thiền định ngoài khoảng
trống, có một con quỷ chơi xấu, đến đánh một cú như trời giáng vào đỉnh
đầu. Nhưng do định lực sâu xa, tôn giả không bị dao động. Khi ngài xuất
định, Tôn giả Mục Kiền Liên đến hỏi:
- Hiền giả có hề gì không?
Xá Lợi Phất đáp:
- Không sao cả thưa hiền giả. Tôi chỉ bị nhức đầu chút ít.
-
Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu thay định lực của hiền giả. Vừa rồi có một
con quỷ đến phá hiền giả, mặt mày con quỷ hết sức dữ tợn, nó đánh một
búa vào đầu hiền giả, tưởng chừng núi đá cũng có thể vỡ ra!
Tôn giả Xá Lợi Phất đáp lại bằng một lời khen ý nhị:
- Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu thay năng lực thần thông siêu việt của hiền giả Mục Kiền Liên, có thấy được mặt mày con quỷ dữ ấy.
Tôn
giả Mục Kiền Liên và Tôn giả Xá Lợi Phất là đôi bạn chí thiết từ nhỏ,
ra đời cùng một ngày, trưởng thành trong một môi trường sang quý như
nhau. Trong lúc tham dự cuộc vui huyên náo kéo dài nhiều đêm, đôi bạn
cùng một lúc khởi tâm nhàm chán cuộc sống thế tục với những lớp sơn lừa
phỉnh của ngũ dục tạm bợ và cùng nhau đi tìm thầy học đạo.
Trước
hết, họ theo Sanjaya, một du sĩ ngoại đạo nổi danh ở thành Vương xá.
Với sự gia nhập của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, uy tín của Sanjaya
càng tăng gấp bội, và những thanh niên thuộc danh gia vọng tộc nối gót
hai ngài đến thụ giáo với Sanjaya. trong một thời gian ngắn, đôi bạn đã
học xong tất cả những gì Sanjaya có thể trao truyền, nhưng vẫn không tìm
thấy đâu là con đường đưa đến giải thoát.
Họ phải giã từ Sanjaya, và
sau này, khi gặp được Phật, nghe giáo lý của Ngài, họ sung sướng trở về
khuyên Sanjaya theo Phật. Khi ấy Sanjaya nói một câu điển hình của hạng
thầy dốt:
-
Ðịa vị của ta không cho phép ta làm một học trò được. Ngươi tốt hơn hết
nên ở lại với ta, ta sẽ chia cho một nửa đồ chúng mà lãnh đạo.
Xá Lợi Phất thưa:
-
Thưa thầy, tôi không hiềm gì phải làm một người học trò suốt cả đời,
bao lâu chưa tìm ra được con đường giải thoát sinh tử. Và một Ðấng giác
ngộ không dễ gì được gặp! Xin thầy hãy cùng đi với chúng tôi!
- Trong thiên hạ kẻ ngu nhiều hơn hay người trí nhiều hơn?
- Thưa thầy, kẻ ngu bao giờ cũng nhiều hơn người trí.
- Vậy thì hãy để người trí đến với sa môn Gotama, còn kẻ ngu sẽ theo ta.
Khi
đôi bạn ra đi, một nửa đồ chúng của vị thầy cũng đi theo họ đến quy y
Phật, Sanjaya tức đến thổ huyết. Trong tăng đoàn của Phật, hai vị tôn
giả trở thành đôi cánh của một con chim đại bàng. Hai vị đối với Ðấng
Ðạo sư là hai cánh tay đắc lực trên đường hoằng pháp đến nỗi khi hai
ngài nhập Niết bàn, đức Phật đã thốt ra:
-"Hội chúng từ nay đối với ta thật trống rỗng".
Qua lời dạy ấy, chúng ta có thể hiểu rõ tầm quan trọng của hai bậc Thánh đệ tử đối với đức Ðạo sư và đối với chánh pháp.
Một
đức tính khác làm cho tôn giả Xá Lợi Phất được tất cả đồ chúng của Phật
yêu kính, là Ngài biết tôn trọng ý kiến của mọi người. Ngài không bao
giờ tự cho là trí tuệ đệ nhất để áp đảo kẻ khác bằng lý luận. Trong
những cuộc luận đàm tôn giả thường hỏi ý kiến từng người, để họ tự do
phát biếu, và khi có sự bất đồng Ngài rủ mọi người cùng đi đến yết kiến
Phật để xin đức đạo sư giải quyết, chứ không bao giờ tự cho ý kiến mình
đúng, thiên hạ đều sai.
Một
kinh của Trung bộ III kể, vào một đêm rằm trăng sáng chiếu xuống khu
vườn cây sala nơi tôn giả đang trú ngụ. Ðêm khuya, trăng tỏ, hương hoa
đang mùa rộ nở cùng với sương đêm tỏa ngát không gian. Cảnh thật xứng
với người: một cuộc hội kiến giữa các bậc thượng thủ đến thăm tôn giả Xá
Lợi Phất. Tôn giả mở màn cho cuộc pháp thoại bằng một câu hỏi, cũng vừa
là một lời chào:
-
Ðêm thanh, trăng tỏ, vườn sa la khả ái thơm nức một mùi hương như thiên
giới. Chư hiền nghĩ sao, vị tỳ kheo nào, theo ý kiến chư hiền, sẽ là
người làm sáng chói khu vườn? (tức một mẫu tỳ kheo lý tưởng trong Phật
giáo phải như thế nào?)
Tôn giả A nan đáp:
- Theo tôi, một vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn là vị nào đa văn đệ nhất.
Tôn giả Ca Diếp:
- Vị tỳ kheo sáng chói khu vườn là vị trì khổ hạnh đầu đà đệ nhất.
Tôn giả Mục Kiền Liên:
- Tôi thì cho rằng vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn, chính là vị nào thành tựu biện tài số một.
Tôn giả Ly Bà Da:
- Ý kiến tôi thì, vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn phải là người thiền định bậc nhất.
Khi tất cả mọi người đều cho ý kiến, Tôn giả Mục Kiền Liên giục bạn:
- Hiền giả nghĩ sao? Ý kiến của người nào đúng? Và ý hiền giả như thế nào về một vị tỳ kheo làm sáng chói khu vườn?
Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:
-
Vị tỳ kheo nào chế phục được tâm, không bị tâm chế phục. Vị tỳ kheo
nào, buổi sáng muốn trú tâm như thế nào, có thể an trú tâm như thế ấy
vào buổi sáng. Buổi trưa vị ấy muốn an trú tâm thế nào, vị ấy cũng có
thể làm như ý muốn vào buổi trưa. Buổi chiều, buổi tối cũng vậy.
Như
một vị vua hay đại thần có một tủ đầy áo đẹp, và sáng muốn mặc cái áo
nào, trưa muốn mặc cái nào, chiều muốn mặc cái nào, đều có thể làm theo ý
muốn của mình. Cũng thế, đối với một vị tỳ kheo đã chế phục được tâm ý,
không bị tâm chế phục. Một vị tỳ kheo như thế, này hiền giả, sẽ làm
sáng chói khu rừng sa la khả ái này. Nhưng này chư hiền, chúng ta hãy đi
đến đảnh lễ Ðấng Ðạo sư để thỉnh giáo về vấn đề này.
Khi
đức Phật nghe thuật lại ý kiến của từng vị, Ngài dạy rằng mọi người đều
trả lời đúng theo địa vị và khả năng của mình. Tuy nhiên Ngài thêm ý
kiến của Ngài như sau:
-
Vị tỳ kheo sáng chói khu vườn chính là vị nào sau khi đi khất thực về,
sau khi chánh niệm thọ thực xong, rửa chân rồi trải tọa cụ ngồi thiền
cho đến khi nào không còn lậu hoặc móng khởi.
Ðiểm lý thú trong kinh này là ở chỗ khi mới nghe qua, chúng ta thấy dường như mỗi vị tự đề cao cá nhân, song kỳ thật không thế.
Mỗi
người phát biểu cái lý tưởng mình muốn đạt, cho nên ngài A Nan, con
người ưa đa văn, tôn trọng học vấn, đương nhiên phải cho đa văn là nhất.
Ngài Ca Diếp thì cho hạnh đầu đà là lý tưởng của xuất gia, nên ngài mới
chuyên môn hạnh ấy. Mục Kiền Liên yêu thích biện tài, muốn phát triển
mặt ấy, nên cho rằng thành tựu biện tài là nhất. Ly Bà Ða chú trọng
thiền định cũng thế, vì cho thiền định là lý tưởng.
Câu
đúc kết của Phật rất ý vị ở chỗ, cái điều Ngài cho là lý tưởng chính là
những việc làm rất thường, không có gì quái dị phức tắp, thế mà lại rất
khó, chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn được.
Ðó
là những việc như ăn cơm, mặc áo, rửa chân, trải tọa cụ ra ngồi...
những việc Phật làm khi mở đầu kinh Kim Cương. Như vậy, ta thấy rõ Phật
muốn ám chỉ đạo là rất giản dị, đó là cái tâm bình thường (bình thường
tâm thị đạo); nhưng đồng thời, quả thật cái việc "thường" ấy lại khó
khăn gấp bội những việc "phi thường" của các bậc đa văn, biến tài, trí
tuệ.
Tôn
giả Xá Lợi Phất lại còn một đức tính khác thu hút tất cả những bậc đồng
phạm hạnh, ấy là khiêm tốn và hâm mộ những tài đức khác.
Kinh
Trạm xe (Trung Bộ II) kể, có vị tôn giả là Phú Lâu Na được Phật và
chúng tỳ kheo ở chung luôn tán thán về giới hạnh không thiếu sót, yêu
thích độc cư, tinh tấn, tri túc, thiểu dục, đầy đủ giới, định, tuệ, giải
thoát, giải thoát tri kiến và là người thường khuyến khích người khác
tu những hạnh kể trên. Khi nghe như vậy tôn giả Xá Lợi Phất vô cùng hoan
hỉ mong muốn có ngày sẽ gặp được Tôn giả.
Một hôm Phú Lâu Na đến yết kiến Phật và lui về ở một nơi lân cận.
Các vị tỳ kheo báo tin cho ngài Xá Lợi Phất biết để đi thăm. Ðến nơi, tôn giả bắt đầu hỏi chuyện:
- Hiền giả, hiền giả vì mục đích gì mà sống phạm hạnh dưới đức Ðạo sư? Phải chăng vì mục đích thành tựu giới thanh tịnh?
- Không phải vậy, hiền giả.
- Vì mục đích kiến thanh tịnh?
- Không phải vậy, hiền giả.
- Vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?
- Không hiền giả.
- Vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?
- Cũng không, hiền giả.
- Khi ấy tôn giả Xá Lợi Phất nói:
-
Hiền giả, tôi hỏi cái gì hiền giả cũng đáp không phải vì mục đích ấy mà
hiền giả sống phạm hạnh. Vậy thì, hiền giả sống phạm hạnh vì mục đích
gì?
- Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Niết bàn.
Xá Lợi Phất hỏi tiếp:
- Có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Niết bàn?
Phú
Lâu Na đáp không. Hỏi tâm thanh tịnh, cũng đáp không, lần lượt hỏi bảy
thanh tịnh, cũng đáp không phải là vô thủ trước Niết bàn. Khi ấy, Xá Lợi
Phất lại hỏi:
- Trong bảy thanh tịnh, hiền giả đều nói không có cái gì là vô thủ trước Niết bàn, nghĩa là làm sao?
Phú Lâu Na đáp:
-
Hiền giả, nếu Thế tôn dạy giới thanh tịnh là vô thủ trước Niết bàn thì
vô thủ trước ấy cũng đồng đẳng với hữu thủ trước (chấp vào giới), về sáu
thanh tịnh kia cũng vậy. Và nếu Thế tôn dạy cái gì ở ngoài bảy pháp ấy
là vô thủ trước Bát Niết bàn, thì kẻ phàm phu cũng gọi là Bát Niết bàn,
vì phàm phu không có bảy pháp ấy. Hiền giả, tôi lấy một ví dụ. Như vua
Ba Tư Nặc đi xe từ Xá Vệ đến Saveta qua bảy trạm xe. Khi vua đến nơi
bằng chiếc xe của trạm thứ bảy, đình thần ra đón và hỏi có phải nhờ
chiếc xe này mà vua đi từ Xá vệ đến hay không. Khi ấy vua phải trả lời
thế nào mới đúng?
Xá Lợi Phất đáp:
-
Dĩ nhiên vua phải nói, đã đi từ trạm xe thứ nhất đến trạm xe thứ hai
bằng một cỗ xe khác, lần lượt đổi xe ở mỗi trạm cho đến cỗ xe cuối cùng
này.
-
Hiền giả, cũng như vậy với bảy thanh tịnh. Giới thanh tịnh chỉ có mục
đích đạt được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là để đạt đến đoạn nghi
thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh là để đạt đến đạo phi đạo tri kiến
thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến đạo tri kiến
thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến tri kiến thanh tịnh.
Tri kiến thanh tịnh là để đạt đến vô thủ trước Bát Niết bàn.
Nghe xong tôn giả Xá Lợi Phất hỏi tôn giả Phú Lâu Na:
- Tôn giả tên gì? Các vị đồng phạm hạnh gọi tôn giả như thế nào?
- Tên tôi là Phú Lâu Na, các bạn gọi tôi là Di Ða La Ni Tử.
-
Thật vi diệu thay, hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được một bậc đệ
tử đa văn của Ðấng Ðạo sư giải, và vị ấy là tôn giả Phú Lâu Na. Thật
hạnh phúc cho chúng tôi được thân cận thăm viếng Tôn giả.
Khi ấy, tôn giả Phú Lâu Na hỏi lại:
- Còn hiền giả tên chi, các vị đồng phạm hạnh gọi hiền giả như thế nào?
- Tên tôi là Tích Sa, các vị đồng phạm hạnh gọi tôi là Xá Lợi Phất.
Một
bất ngờ kỳ thú! Tôn giả Phú Lâu Na muốn bật ngửa người vì ngạc nhiên,
không ngờ nãy giờ mình đã múa rìu qua mắt thợ! Nhưng ông thợ này quá
khiêm tốn dễ thương. Ngài Phú Lâu Na ngợ đi một một hồi mới bảo:
-
Tôi đang nói chuyện với bậc đệ tử được xem ngang hàng với đức Ðạo sư mà
không biết! Nếu tôi biết Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, thì tôi đã không
nói nhiều như vậy