Nghiên cứu chuyên sâu

Cửa Phổ Môn - Diệu Pháp Phổ Môn của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Đăng lúc: 21:18 PM 18/02/2019 0   1060

Cùng Chủ Đề

Tứ Đế và quan điểm của Bồ tát Long Thọ
Tứ Đế và quan điểm của Bồ tát Long Thọ Tượng...
Phật Giáo
Phật Giáo

Cửa Phổ Môn - Diệu Pháp Phổ Môn của Quán Thế Âm Bồ Tát.


Đạo Phật rất thực tiễn, không luận thuyết về những chuyện xa vời. Khi một người mở lòng biết lắng nghe tiếng nói dị biệt và đau khổ của tha nhân, người ấy đang thực hiện diệu pháp Phổ Môn của Quán Thế Âm Bồ Tát, dù người ấy ở Hỏa Tinh hay đang sống trên Galaxy Andromède, vì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát vân du trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới, và ngài đã thành Phật hằng sa số kiếp trước khi thị hiện làm vị Bồ Tát bên cạnh Phật A Di Đà.

Khởi đầu con người sống nhiều bằng cảm tính và rất ít lí trí, tất cả đều bị ngăn chặn bởi hiềm nghi, e dè, tự vệ. Xã hội loài người cũng chính là hình ảnh của muôn thú mà ta quan sát hôm nay: mạnh được, yếu thua; cá lớn nuốt cá bé. Trong giai đoạn này, bản chất của con người rất gần với vô minh, mỗi một con người là một tiểu môn cửa đóng then cài. Khi một quốc gia tiêu diệt một quốc gia, chỉ chừng trăm năm sau, biên giới của kẻ thắng và kẻ bại sẽ không còn nữa, hay ít ra là đã phai nhạt rất nhiều, lúc ấy xã hội chịu lắng nghe hơn là cần gươm giáo để trấn áp, và như vậy, nếu ai biết lắng nghe ngay từ khởi thủy là biết đi đoạn đường ngắn nhất dẫn đến cộng sinh trong hòa bình.

Trung Quốc Bắc Kinh không cần nhe nanh múa vuốt với thế giới bên ngoài, chỉ cần phát huy văn hóa tam giáo vốn đã có căn gốc vững mạnh của mình, chủ trương một chính sách dân giàu nước mạnh nội địa, phát triển trợ cấp xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nâng cao mức sống của toàn dân, không để sự chênh lệch kinh tế quá lớn giữa nông thôn và thành thị, sao cho người ngoài nhìn về Trung Quốc tựa như nhìn sang Âu Mỹ, ước ao được làm công dân Trung Quốc.

Ngoài ra, hãy phổ biến văn minhTrung quốc bằng cách cạnh tranh với Âu Mỹ về nhân quyền, triết học, tâm linh, cho thế giới thấy Trung quốc dẫn đầu về tâm lắng nghe, cởi mở, chân thành, bênh vực và trợ giúp các nước láng giềng về mọi mặt, dùng yêu thương, nhân quyền, bình đẳng, tín và nghĩa để đối đãi nhau, tỏ rõ tư cách đàn anh. Được như vậy, Trung Quốc không cần bỏ tiền tạo dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, chẳng cần chế ra nhiều máy bay hay tàu thủy phục vụ cho chiến tranh, vì con đường lắng nghe chỉ xây dựng hòa bình, chiến tranh tự biết nó không có bất kỳ vai trò nhỏ bé nào ở đây cả. Việc gia tăng ngân sách chiến tranh của các cường quốc chỉ là cơn lốc vô minh đưa con người đến chỗ bị tiêu diệt trước khi có một nước được tôn vinh chiến thắng. Đây chính là giai đoạn nhân loại cần ngồi lại, mở tâm ra và lắng nghe nhau, thấu hiểu về tương lai của chính mình.

Chính sự lắng nghe và thông cảm trong cởi mở (Phổ Môn) đã dẫn đến những giao lưu văn hóa, vừa khiến con người tôn trọng dị biệt mà vẫn có thể hòa đồng, vừa khiến họ sở hữu được một kho tàng súc tích về mọi lãnh vực của học thuật mà trong đó, khoa học và lịch sử được đặc biệt nâng cấp và phát huy mạnh mẽ mà vẫn không đánh mất truyền thống.

Tất cả mọi học thuyết, tín ngưỡng hoặc các tổ chức tài phiệt, giáo phiệt, quân phiệt với bản chất thống trị thường gây chiến tranh, thường tạo tang thương trong lịch sử nhân loại đều là những thế lực vô minh, họ không biết thực tập Phổ Môn hay hạnh lắng nghe, trái tim hoàn toàn đóng kín.

Đông Đức và Tây Đức đã lắng nghe nhau trước khi đập bỏ bức tường Bá Linh. Dân tộc Đức đã tiết kiệm nhiều xương máu và tài nguyên, họ không cần đến chiến tranh đổ máu mà vẫn thực hiện được thống nhất trong hòa bình, yêu thương trong danh dự. Họ có may mắn là không có dị biệt văn hóa mà chỉ có dị biệt chính trị. Người VN đã tốn hằng triệu sinh mạng, hằng nghìn tỉ đô la để thống nhất đất nước, nhưng ngày nay, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, dân tộc vẫn gờm nhau bằng dị biệt chính trị và xa cách văn hóa, chỉ chực chờ một cơ hội để bùng vỡ thành chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa một bên là gìn giữ tập tục truyền thống Đông Á, và một bên là tín ngưỡng và truyền thống thống trị Kitô muốn tái lập kiểm soát tại VN như dưới thời Pháp thuộc hay dưới hai triều đại Việt Nam Cọng Hòa. Đây là một bất hạnh lớn của dân tộc, một di chứng nhức nhối còn khó cứu chữa hơn các di chứng do chất độc da cam để lại sau khi hai đế quốc Pháp và Mỹ đã ra đi.

Mong rằng nhà nước biết lắng nghe, người Kitô giáo tại VN cũng biết lắng nghe. Hãy là tôn giáo đáng yêu trong một dân tộc, không nên áp đặt một dân tộc đáng yêu vào một tôn giáo.

Cửa Phổ Môn hay sự lắng nghe xóa tan dị biệt chủ tớ, hủy bỏ chế độ nô lệ

Những nhà đấu tranh tiên phong xóa bỏ quyền ưu tiên của tầng lớp quý tộc trưởng giả ở Hy Lạp vào buổi bình minh của nhân loại chính là những người chịu lắng nghe tiếng nói của số đông, của tầng lớp bình dân hay nô lệ như tôi đã trình bày trong phần vĩ nhân hay những người thành đạt là những người biết lắng nghe.

Hoàng dế Cyrus II (-339) của đế quốc Perse có lẽ là người đầu tiên biết nghe thấy tiếng than khóc của các giống dân bị lưu đày, ông đã ra lệnh phóng thích nô lệ Do Thái khi chiếm thành Babylone, và ông cho quyền tự do tín ngưỡng trong đế quốc của ông. Những điều này được khắc trên ống đất sét nung gọi là Cyrus Cylinder. Theo một số sử gia thì Cyrus II là thủy tổ của tuyên ngôn nhân quyền.

Tổng thống Abraham Lincoln đã lắng nghe được sự thống hận của nô lệ da đen, và ông đã tự mình đứng về phía những kẻ bị buôn bán như súc vật từ Phi Châu sang Mỹ châu vào thế kỷ thứ 17 &18. Chế độ nô lệ là một lợi nhuận xã hội của Đế quốc La Mã kéo hơn 18 thế kỷ. Chế độ nô lệ tồn tại cho đến khi bị Abraham Lincoln bãi bỏ tại Hoa Kỳ.

Thông thường các vị Bồ Tát xuất thế để cứu người, họ ra đi ngay sau khi trách nhiệm hoàn thành. Trường hợp của Abraham Lincoln rất giống với hạnh nguyện của một vị Bồ Tát. Lincoln vì dân tộc Mỹ và vì người nô lệ mà đấu tranh đầy cam go gian khổ.

Đừng nghĩ rằng những gì xảy ra trên đây chẳng liên quan gì đến Phật giáo.

Phật giáo chẳng sở hữu một chân lí riêng tư. Phật giáo chỉ ra con đường, đưa ra pháp môn dẫn đến Chân Thiện Mỹ chứ không hề sở hữu Chân Thiện Mỹ. Tất cả những gì làm cho trần gian được an vui, bớt khổ, tất cả những động thái của lịch sử khiến cho trái đất quay trong quỹ đạo hài hòa của vũ trụ đều phù hợp với giáo lí từ bi ban vui cứu khổ của đạo Phật, nó không bị giới hạn trong thời gian, cũng không xơ cứng trong không gian. Một linh mục có thể là một Phật tử chân chánh nếu vị ấy có đời sống thanh cao trong sạch, biết đặt mục tiêu làm lợi lạc tha nhân lên hàng đầu, trong khi chưa chắc một vị Tì Kheo lại xứng đáng là đệ tử Phật nếu vị ấy tham dâm trong bóng tối sau lưng tín đồ, khư khư ôm lấy ngôi chùa hoặc tạo dựng cộng đồng riêng.

Trước khi Phật Thích Ca ra đời đã có đạo Phật, hay chính xác hơn, đạo phật -không viết hoa- là chân lí, là chánh pháp, là luật nhân quả, là lí tính của vũ trụ, là bản chất của giác ngộ, là tính không của vạn pháp, là tịch diệt của giải thoát, là pháp giới Hoa Nghiêm nhứt tức nhứt thiết, nhứt thiết tức nhứt. Vũ trụ đã là như thế, Phật Thích Ca có ra đời hay không, nó vẫn như thế. Vi khuẩn trong nước hay trong không gian không phải là ''vật thụ tạo'' của Phật Thích Ca, ngài chỉ đơn giản nhìn thấy chúng và báo cho chúng ta biết. Ngài đến không phải để tạo ra vũ trụ, mà đến để chỉ cho chúng ta thấy vũ trụ.

Đạo Phật rất thực tiễn, không luận thuyết về những chuyện xa vời. Khi một người mở lòng biết lắng nghe tiếng nói dị biệt và đau khổ của tha nhân, người ấy đang thực hiện diệu pháp Phổ Môn của Quan Thế Âm Bồ Tát, dù người ấy ở Hỏa Tinh hay đang sống trên Galaxy Andromède, vì Đức Quán Thế Âm Bồ Tát vân du trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới, và ngài đã thành Phật hằng sa số kiếp trước khi thị hiện làm vị Bồ Tát bên cạnh Phật A Di Đà.

Theo kinh Phổ Môn thì ngài có 32 (có thuyết nói có 33) hình tướng thị hiện khác nhau, từ vua quan, đến Trời Phạm Thiên (được Ấn giáo xem như Thượng đế sinh ra vũ trụ và có quyền ban phúc giáng họa), nhưng với chỉ 32 hình thức thì quá hạn hẹp. Theo thiển ý đó là con số tiêu biểu, chứ với sở nguyện hợp thập phương nhất thiết lục đạo chúng sinh, dữ chư chúng sinh đồng nhất bi ngưỡng, thì 32 tướng kia làm sao mà đủ để độ khắp sáu loại chúng sanh? (sáu loài gồm : trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục ) Đừng nói là Quán Thế Âm dư sức biến thành Cyrus II hay thành Abraham Lincoln, ngay cả khi cần ngài cũng có thể thị hiện thành ngạ quỷ, a tu la hay súc sinh heo, bò, gà, chó mà trong kinh Phổ Môn không đề cập tới. - Nói điều nửa đùa nửa thật này ra để ai trước khi giết gà mổ heo, nên nghĩ rằng, biết đâu, chính Quán Âm Bồ Tát đang thị hiện để cứu độ một súc sinh nào đó.

Ngoài 32 hình tướng, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng xuất hiện với 42 thủ nhãn, là những cách thức tâm linh đặc biệt để thực hiện mọi việc đều như ý.

Ý kiến bạn đọc (0)