Niêm hoa vi tiếu, nghĩa Việt: cầm hoa mỉm cười. Đầy đủ là Niêm hoa thuấn mục phá nhan vi tiếu: Đưa hoa ra, trong chớp mắt thì chuyển mặt mỉm cười.
-434x518.jpg)
Câu chuyện Niêm hoa vi tiếu trên được thuật lại trong một bộ Kinh với tên Ðại phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh.
Tương truyền rằng, Phạm thiên vương (brahmā) một hôm viếng thăm một hội thuyết pháp của đức Phật trên đỉnh Linh Thứu. Ông cúng dâng đức Phật một cành hoa (có thuyết nói là hoa Sen, một thuyết khác là hoa Ưu-đàm) và thỉnh Phật vì chúng thuyết Pháp. Thay vì thuyết pháp, Đức Phật cầm một cành hoa đưa lên, hội chúng người thì ngơ ngác không hiểu đức Phật muốn dạy điều gì, người thì đang tìm cách hình thành cho mình một lý giải, chỉ có ngài Ca-diếp lặng lẽ mỉm cười. Biết Ca-diếp đã lãnh hội, đức Phật nói bài kệ:
“Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp”
Các pháp vốn không pháp
Không pháp cũng là pháp
Nay lúc trao không pháp
Mỗi pháp đâu từng pháp
Gốc pháp vốn không pháp, hiểu theo tinh thần thiền Nguyên Thủy có nghĩa là pháp thực tánh (paramattha dhamma) vốn tự nó không có pháp khái niệm (paññatti dhamma).
Ví dụ như một sắc pháp tự nó chỉ là bốn đại (đất, nước, lửa, gió) nhưng chúng ta thấy nó là trái cam, trái bưởi… tùy theo khái niệm hình tướng (santāna), tổng hợp (samūha), không gian (disā), thời gian (kāla) v.v... trong vật khái niệm (attha paññatti) rồi đặt cho nó một tên gọi trong danh khái niệm (nāmapaññatti).
Thật ra, cả hai vật khái niệm và danh khái niệm đều không có trong tự thân của sắc pháp ấy (gốc pháp). Thế nhưng hầu như chúng ta chỉ thấy pháp như chúng ta quan niệm là chứ không thấy thực tánh của pháp gốc như tự nó thực sự là. Vì vậy, cái thấy của thiền là thấy tất cả các pháp đều có gốc pháp vốn không.
Bài kệ này nhằm nói lên chỉ ý của sự kiện “niêm hoa”.
Cành hoa trong tự tánh chỉ như nó đang là (yathābhūtā) chứ không như bị nghĩ là (ciñtāmayā).
Trong thiền vipassanā đối tượng của chánh niệm tỉnh giác phải là pháp thực tánh tức chính là gốc pháp vốn không chứ không phải là pháp khái niệm do tâm trí con người qui định.
Hội chúng ngơ ngác vì mãi lo tìm ý nghĩa trong thế giới khái niệm, ngôn ngữ, tư tưởng, quan niệm…
Riêng ngài Ca-diếp thấy cành hoa như tự tánh đang là của nó. Điều này thiền Nguyên Thủy gọi là thấy biết như thật (yathābhūta ñāṇadassana: như thị tri kiến) trong trí tuệ chánh niệm tỉnh giác.
Câu 3 và 4 nói rằng ngay khi trao cái gọi là pháp không ấy thì vẫn không có một pháp nào từng là pháp không trong khái niệm được cả. Vì khi hình thành khái niệm “pháp không” thì nó đã trở nên “pháp hữu” rồi.
Đây là lời cảnh báo cho những ai chạy theo cái gọi là tánh, là không mà không biết rằng đó chỉ là tánh không trong ý niệm của chính mình.
Pháp gốc như không pháp,
Chẳng có cũng chẳng không.
Nếu người biết pháp ấy,
Chúng sanh cùng phật đồng.
Trăng Lăng Già vắng lặng,
Thuyền Bát Nhã rỗng không.
Biết không, không giác có,
Chánh định mặc thong dong.
(THIỀN SƯ HUỆ SINH)
*Trăng sáng vằng vặc trên núi Lăng Già lặng yên bất động. Câu này dẫn ý kinh Lăng Già. Đức Phật nói kinh trên núi Lăng Già, núi này ở giữa biển nên các vị La Hán, Bồ Tát phải vận thần thông mới đến được núi này để nghe Phật nói kinh. Kinh này được gọi là kinh lăng già. Hai hình ảnh: một ngọn núi và một mặt trăng, núi thì sừng sững lặng lẽ bất động, trăng sáng soi vằng vặc cũng bất động. Tuy bất động mà có núi có trăng, bất động mà trăng vẫn sáng, bất động mà núi vẫn hiện tiền. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa: người tu muốn nhận ra pháp gốc, hay thể chân thật thì phải có định và tuệ. Núi lặng lẽ bất động dụ cho định, trăng sáng soi vằng vặc dụ cho tuệ, do định mới có tuệ.